Tại TPHCM, có nhiều khu phố xây dựng được nếp sống tốt đẹp qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Tuy nhiên, tại không ít khu phố văn hóa là cảnh tượng nhếch nhác, bát nháo...
Chỉ ngồi một giờ ở quán nước gần cầu thang chung cư Bình Trưng Đông, khu phố 4, đường số 49, phường Bình Trưng Đông, quận 2 dễ thấy vài nhóm phụ nữ trung niên ngồi bàn số đề, nói chuyện đánh bạc, đòi nợ… Mới cãi cọ về nợ nần cờ bạc, họ lại sẵn sàng dọn hàng nếu có người rủ đánh bài cho đủ tay. Cảnh đàn ông nhậu nhẹt, lớn tiếng gây lộn bất kể giờ giấc là chuyện thường ngày. Việc nói tục thì quá quen thuộc với những người ở đây… Phản cảm nhất là cảnh đánh bài ăn tiền diễn ra hàng ngày tại đầu các hẻm, khu phố trước mắt mọi người. Một nhóm người sát phạt nhau, vài người vây quanh để “ké”. Cãi nhau lớn tiếng, xô xát là những cảnh không hiếm xảy ra từ ngày này qua ngày khác.
Ông Vũ Văn Hoạt, Trưởng ban Điều hành khu phố 4, phường Bình Trưng Đông, quận 2 cho biết: “Khu này, người thất nghiệp nhiều hơn người có việc nên rảnh rỗi tụ tập chơi lô đề, đánh bài ăn tiền, có người còn lấy lô đề làm nghề kiếm cơm. Phường và ban điều hành cũng đã động viên, cảnh cáo nhưng chung qui lại cũng vì “nhàn cư vi bất thiện” nên chúng tôi đã kiến nghị lên phường và quận tìm cách tạo công ăn việc làm cho bà con”.
Trao đổi với PV Báo SGGP về việc hàng quán chiếm dụng toàn bộ công viên dưới chung cư Bình Trưng Đông làm nơi buôn bán, bà Dương Thị Cẩm Tú, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Trưng Đông, cho biết: “Đây là khu tái định cư của bà con ở đại lộ Đông Tây chuyển về, đời sống còn gặp nhiều khó khăn nên họ tạm thời ra đây buôn bán. Về lâu dài, phường đang tìm cách giúp bà con có công ăn việc làm để đảm bảo đời sống. Thời gian vừa qua, phường vẫn để hàng quán kinh doanh nhưng quy định chỉ được bán đến 21 giờ”. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, các hàng quán này buôn bán đến hơn 23 giờ, gây ồn ào làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh nhưng không có đơn vị nào nhắc nhở.
Cảnh nhếch nhác của hàng ăn, quán nước chiếm dụng ở đầu các con hẻm là chuyện thường ngày ở các khu phố. Khu phố 1, hẻm 343 Ngô Gia Tự, phường 3, quận 10. Hẻm vừa được mở rộng thì ngay đầu hẻm trở thành nơi trưng bày sản phẩm của cửa hàng nội thất Nguyên Thảo và những xe hủ tiếu.
Chị Đặng Thanh Xuân, một cư dân của hẻm, bức xúc: “Khoảng đầu tháng 6, con gái tôi chạy xe máy từ trong hẻm ra, vì tránh mấy đứa nhỏ đang nô đùa nên để xe tông vào làm trầy xước một chiếc tủ của quán Nguyên Thảo đặt ở ngoài hẻm. Lập tức mấy người trong cửa hàng la mắng và còn bắt cháu đền tiền. Tôi phải nói đây là hẻm chung, việc chiếm dụng hẻm để trưng bày sản phẩm là không đúng nên họ mới bỏ qua”.
Tại chung cư Bình Trưng Đông, tấm biển “Khu phố 4 quyết tâm xây dựng khu phố văn hóa” được đặt như để thay thế cổng của công viên. Dù có khuôn viên rộng 3.000m2 làm khu vui chơi của người dân và trẻ em nơi đây, nhưng toàn bộ công viên bị hơn 20 quầy bán đồ ăn vặt chiếm dụng để buôn bán, lòng đường trở thành nơi đậu xe. Chị Nguyễn Trường Sen cho biết: “Mang tiếng khu phố có công viên nhưng con nít đâu có chỗ chơi, từ 4 giờ chiều đến 11 giờ đêm, khắp công viên trở thành phố đồ ăn đêm, dưới đường trở thành điểm để xe của thực khách”.
Ngay tại những khu phố đã đạt danh hiệu khu phố văn hóa cũng không thiếu cảnh bát nháo của các hàng ăn và những cuộc cự cãi vì tranh giành khách hàng. Tại khu phố 4, hẻm 282 đường Ngô Gia Tự, phường 4, quận 10, ngay đầu hẻm đã bị ô dù và bàn ghế của quán bán đồ ăn sáng, ăn trưa chiếm toàn bộ đường vào hẻm, tiếp theo là những cột nhà của căn nhà đầu hẻm dựng lên để cơi nới các lầu trên. Một người sống trong khu phố này cho biết: “Hẻm nhỏ lại chắn bởi quán ăn và phần lầu đưa ra của nhà đầu hẻm nên rất tối tăm, người lạ đi vào hẻm phải thận trọng vì dễ đụng phải mấy cột nhà”.
Dưới tấm biển khu phố văn hóa 4, hẻm 131 đường 3 Tháng 2 và khu phố văn hóa 1, hẻm 338 Điện Biên Phủ, phường 11, quận 10, đường hẻm khá rộng nhưng bị hàng quán chiếm gần hết hẻm, bếp than khói mù mịt cả một góc phố khiến nơi này trở lên nhếch nhác, bụi bặm. Tuy khá hẹp nhưng dưới tấm biển khu phố văn hóa 1, hẻm 490, Điện Biên Phủ, phường 2, quận Bình Thạnh lại bị một số hộ dân quây lại để làm kho chứa đồ dùng gia đình khiến con hẻm tối tăm, nhếch nhác và nồng mùi hôi mốc.
TPHCM hiện có hơn 1.400 khu phố đạt danh hiệu khu phố văn hóa. Để đạt được thành quả này không thể phủ nhận công lao của nhiều người dân, tổ chức, đoàn thể cùng chính quyền địa phương. Thế nhưng, bên cạnh con số tốt đẹp đó, cảnh thiếu văn hóa tràn lan, kéo dài, dễ nhìn thấy trước mắt mọi người ở các khu phố, thậm chí có cả ở các khu phố đã được công nhận là khu phố văn hóa là điều không thể để kéo dài.
THU HƯỜNG