Khu vực ĐBSCL phát triển yếu vì thiếu liên kết

Ngày 27-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng với lãnh đạo Ngân hàng Thế giới và nhóm các nước đối tác phát triển đã họp bàn về giải pháp phát triển kinh tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tính đến yếu tố giảm thiểu những tác động biến đổi khí hậu.

Ngày 27-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng với lãnh đạo Ngân hàng Thế giới và nhóm các nước đối tác phát triển đã họp bàn về giải pháp phát triển kinh tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tính đến yếu tố giảm thiểu những tác động biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng đã nhấn mạnh, ĐBSCL có đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Việt Nam khi đóng góp 15% GDP của cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp này diễn ra trong bối cảnh nguồn nước ngọt dồi dào và thuận lợi. Còn với thực trạng thiếu nước ngọt và biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng như hiện tại, tỷ lệ đóng góp GDP trên có nguy cơ bị suy giảm trong thời gian tới.

BĐKH đã hiện hữu trong mâm cơm của hàng triệu người dân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tính cho đến hiện nay, ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất Việt nam, đóng góp 41% giá trị sản xuất nông nghiệp, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, cung cấp 1/5 sản lượng gạo thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, nội lực phát triển của vùng có nguy cơ suy giảm mà nguyên nhân là do tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) và những tác động của nó diễn ra nhanh và mạnh hơn dự báo. Chỉ tính riêng thời điểm hiện tại, phạm vi xâm nhập mặn đã vào sâu trong đất liền khu vực ĐBSCL từ 100 - 120km. Trên 230.000ha lúa đông xuân, 9.400ha cây ăn quả, trên 5.000ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. 250.000 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt. Tổng sản lượng lúa đông xuân vừa qua giảm trên 400.000 tấn.

Những tác động trên đã hiện hữu trong từng mâm cơm của hàng ngàn người dân đang sinh sống tại khu vực ĐBSCL. Thực tế tại nhiều tỉnh thành, người dân đã phải chuyển đổi cách thức canh tác, sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản để giảm thiểu tổn thương từ BĐKH gây ra. Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, người dân của tỉnh không thể thực hiện trồng 3 vụ lúa/năm mà phải trồng lúa sang canh tác 1 vụ lúa và 1 vụ tôm. Thời gian thực hiện mùa vụ cũng thay đổi từng năm do thời tiết cực đoan và không theo quy luật thông thường. Tuy nhiên, với năm 2016, tình trạng hạn hán quá nặng vượt cả dự kiến, hồ trữ nước ngọt của tỉnh vốn chưa bao giờ thiếu nước ngọt thì có đến 1 tháng không thể lấy nước ngọt. Do vậy, những thiệt hại cho người dân là vô vùng lớn. Tương tự, ông Lê Văn Hưởng,

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết thêm, khu vực phía Đông của tỉnh đã bị xâm nhập mặn, không còn khả năng canh tác nông nghiệp. Do vậy, tỉnh đã lập kế hoạch chuyển đổi canh tác nông nghiệp sang khu vực phía Tây. Còn khu vực phía Đông sẽ chuyển sang quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp chế biến nông lâm, thủy hải sản. Thế nhưng, để làm được vấn đề này, cần thiết phải cần nguồn vốn để đầu tư lại hạ tầng, nhất là đầu tư hệ thống dẫn nước ngọt từ khu vực phía Tây về phía Đông. Đây chính là vấn đề khó khăn nhất của tỉnh.

“Nếu không tự cứu thì không ai có thể cứu mình”

Giảm số lượng mùa vụ từ 3 vụ lúa/năm xuống còn 2 vụ lúa/năm. Một vụ còn lại bỏ trống để tạo ngập lụt tự nhiên, cải tạo lại chất lượng đất canh tác. Song song đó, xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam để tăng giá trị gia tăng, tạo cơ sở gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là những giải pháp được các chuyên gia các nước đối tác phát triển đưa ra.

Đại diện nhiều tỉnh thành cho rằng, để đảm bảo phát triển bền vững tại khu vực ĐBSCL nhất thiết phải tính đến yếu tố chuyển đổi hình thức sản xuất canh tác cho người nông dân. Theo đó, phải thực hiện phân vùng rõ khu vực mặn, lợ và ngọt từ đó đưa ra loại hình canh tác phù hợp. Kế đến, đưa vào áp dụng loại giống lúa có khả năng chịu được mặn mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Và quan trọng hơn là xây dựng đê kiểm soát nước mặn, xây dựng hồ trữ nước ngọt và tăng cường trồng rừng ngăn mặn. Riêng về phát triển thương hiệu nông sản thì cần có sự tham gia của Chính phủ trong việc tạo nên những thương hiệu quốc gia.

Một vấn đề khác là cần thực hiện mô hình liên kết giữa các tỉnh trong vùng, liên kết doanh nghiệp với doanh nghiệp, nông dân với nông dân và nông dân với doanh nghiệp. Mặt khác, các kế hoạch thích ứng BĐKH, phát triển bền vững của mỗi tỉnh xây dựng cần có sự hợp nhất và điều phối tổng thể từ cấp trung ương. Sự điều phối này không đơn thuần là hỗ trợ kinh phí mà cần thiết phải đồng bộ hạ tầng cũng như cách thức vận hành, khai thác và chia sẻ việc sử dụng nguồn nước ngọt. Mở rộng hơn là vấn đề chia sẻ và sử dụng nguồn nước khu vực các quốc gia. Trên thực tế, mức độ thiệt hại do hạn mặn đầu năm 2016 sẽ không nặng nề như vừa rồi nếu như vấn đề chia sẻ và sử dụng nguồn nước ngọt khu vực được thực hiện tốt hơn. Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm rủi ro cho nông dân cần phải hiện thực thay vì như chỉ là mô hình như hiện nay.

Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan tập trung vào 5 nội dung cấp bách cứu lấy ĐBSCL. Một là đánh giá thực tế những tác động, ảnh hưởng của BĐKH, rủi ro thiên tai đồng thời đề xuất chiến lược thích ứng và phối hợp liên tỉnh, đa ngành. Kế đến là làm rõ các thách thức và cơ hội, từ đó đề xuất các biện pháp, kế hoạch ứng phó với BĐKH; đưa ra những giải pháp sinh kế bền vững, chống chịu BĐKH cho người dân; xây dựng những giải pháp công trình và phi công trình cần thực hiện và cuối cùng là giải pháp tài chính, cơ chế chính sách và nguồn lực huy động để thực hiện các dự án.

Bà Victoria Kwa Kwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh, WB và các nước đối tác phát triển như Chính phủ Nhật Bản, Đức, Australia và đặc biệt là Hà Lan đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình canh tác, nuôi trồng thủy hải sản thích ứng với điều kiện khí hậu tại ĐBSCL. Đơn cử như mô hình trồng 1 vụ lúa xen canh với một vụ tôm/năm; xây dựng mô hình nuôi tôm sinh thái, tức là nuôi tôm kết hợp tăng diện tích rừng ngập mặn, nghiên cứu thành công giống lúa trồng trong điều kiện nước mặn… Tuy nhiên, bà Victoria Kwa Kwa cho biết, WB và nhóm các nước đối tác phát triển chỉ đóng vai trò hỗ trợ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, những nghiên cứu, phân tích có tính khoa học và triển khai mô đình nuôi trồng nông, thủy hải sản thí điểm… Vấn đề quan trọng là Chính phủ Việt Nam phải đóng vai trò chủ đạo để nhân rộng những sự hỗ trợ từ các nước đang hỗ trợ cho Việt Nam. Đồng thuận với quan điểm này,

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, nếu chúng ta không tự cứu mình thì sẽ không ai có thể cứu mình.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục