Khu xạ trị trong ngày Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 chính thức đi vào hoạt động

Ngày 12-5, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, Khu xạ trị trong ngày Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đã chính thức đi vào hoạt động, khởi động cho lộ trình giải quyết tình trạng quá tải người bệnh hàng chục năm nay tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1.
Bệnh nhân đầu tiên được thực hiện CT mô phỏng trước khi được xạ trị vùng đầu cổ
Bệnh nhân đầu tiên được thực hiện CT mô phỏng trước khi được xạ trị vùng đầu cổ

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, ngay sau khi Cục Giám định nhà nước về công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã có văn bản đồng ý cho phép nghiệm thu đưa vào hoạt động tầng hầm 1 và tầng hầm 2 của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM đã bàn giao tiếp cho Bệnh viện Ung bướu toàn bộ cơ sở vật chất ở tầng hầm 1 và tầng hầm 2, nơi sẽ triển khai Khu Xạ trị của bệnh viện.

Khu xạ trị trong ngày có diện tích hơn 1.000m2, được trang bị 2 hệ thống CT mô phỏng, 6 hệ thống xạ trị gia tốc, 2 hệ thống xạ trị áp sát và 9 phòng khám ngoại trú. Đây là khu tích hợp mô phỏng, lập kế hoạch điều trị, xạ trị ngoài, xạ trị áp sát và khám bệnh ngoại trú tạo thành quy trình điều trị xạ trị trong ngày khép kín tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2.

Theo đó, sau khi bệnh nhân có chỉ định xạ trị từ khoa điều trị, bệnh nhân được đưa đến Khu Xạ trị để thực hiện mô phỏng. Khu vực mô phỏng được trang bị 2 máy CT 16 lát cắt, có thể thực hiện các kỹ thuật mô phỏng 3D, 3D có cản quang, đi kèm hệ thống đồng bộ nhịp thở RPM phục vụ kỹ thuật xạ trị kỹ thuật cao 4D (xạ trị điều biến theo nhịp thở của bệnh nhân). 

Sau khi mô phỏng, dữ liệu CT được chuyển đến phòng Lập kế hoạch xạ trị để thực hiện vẽ định vị các thể tích xạ trị và cơ quan lành, tính toán các thông số trường chiếu xạ, liều lượng, che chắn,… trị để có được một kế hoạch xạ trị tối ưu cá nhân hóa cho từng người bệnh. Khi kế hoạch xạ trị được bác sĩ điều trị cùng kỹ sư thông qua, dữ liệu được chuyển đến máy xạ để chuẩn bị xạ trị cho bệnh nhân.

Các kế hoạch ngày sẽ được kiểm tra đo đạc trực tiếp trên máy để đảm bảo chất lượng điều trị (liều phát thực tế trên máy phải đúng như liều đã lập trên phần mềm). Nếu tất cả đã đạt yêu cầu, bệnh nhân sẽ được tiến hành điều trị trên máy xạ.

Hiện Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đã đưa vào hoạt động 6 máy xạ trị gia tốc dưới sự hướng dẫn hình ảnh (IGRT) có thể thực hiện được các kỹ thuật cao cấp trong xạ trị hiện nay: Electron, 3D, IMRT, VMAT. Bên cạnh đó, máy xạ trị có thể thực hiện các kỹ thuật xạ phẫu SRS/SBRT (Hyper Arch), xạ trị theo nhịp thở, kiểm soát chuyển động bề mặt.

Dự kiến, khi các quy trình chuyên môn và các hệ thống thiết bị hoạt động ổn định, Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 sẽ tăng nhanh tiếp nhận số lượng bệnh nhân đến khu xạ trị. Với 6 hệ thống xạ trị gia tốc được trang bị, công suất phục vụ của khu xạ trị tại cơ sở 2 có thể đáp ứng được 240 - 400 lượt xạ trị mỗi ngày, có khả năng giúp giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải về xạ trị cho Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1 trong hàng chục năm qua.

Sở Y tế TPHCM cho biết, theo kế hoạch, từ ngày 19-5, Bệnh viện Ung bướu sẽ tiếp tục đưa người bệnh ngoại trú của khối nội về Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 để tiếp tục điều trị và hóa trị trong ngày.

Với thiết kế 100 giường hóa trị trong ngày, khu hóa trị ban ngày của Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 có khả năng hóa trị 300 lượt bệnh nhân mỗi ngày, sẽ giúp giảm từ 70 – 80% số lượt hóa trị ban ngày tại cơ sở 1.

Ngoài ra, cũng từ mốc thời gian này, Bệnh viện Ung bướu sẽ bắt đầu triển khai hẹn các bệnh nhân đang theo dõi sau khi kết thúc hóa trị, xạ trị tại cơ sở 1 chuyển sang tái khám tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2.  Khi khu điều trị nội trú của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 chính thức được bàn giao, toàn bộ bệnh nhân nội trú của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1 sẽ được chuyển về cơ sở mới.

Tin cùng chuyên mục