Khủng hoảng gắn kết cộng đồng Hy Lạp

Thay đổi luật chơi
Khủng hoảng gắn kết cộng đồng Hy Lạp

Theo Xydia, 26 tuổi, người Hy Lạp trước kia chưa bao giờ học cách tham gia và định hình đời sống công cộng. “Chính phủ coi chúng tôi như những đứa trẻ vị thành niên và hầu hết mọi người đều hài lòng về điều đó”. Nay, giới trẻ Hy Lạp đang được xem là những người đi tiên phong trong cuộc đấu tranh chống khủng hoảng kinh tế bằng những hoạt động giúp đỡ người nghèo, kèm theo đó là những hành động cảnh tỉnh cộng đồng về những tiêu cực trong xã hội.

Người dân Hy Lạp biểu tình chống khai thác vàng.

Người dân Hy Lạp biểu tình chống khai thác vàng.

Thay đổi luật chơi

Cùng với Maria Karantza, Stephania Xydia là đồng sáng lập viên tổ chức phi chính phủ “Hãy tưởng tượng về thành phố” (ITC). Xydia lớn lên ở Luxembourg và học đại học ở Anh. Cô trở về Athens vào năm 2011, sau khi từ bỏ công việc tư vấn quản lý tại London. Cha mẹ cô không vui về điều đó và hỏi cô: “Con sẽ làm gì ở Athens?” và Xydia không ngại trả lời: “Để thay đổi mọi thứ”.

Còn Maria Karantza luôn tự hỏi về những gì khác biệt giữa đất nước Hy Lạp với phần còn lại của châu Âu. Vì sao người Hy Lạp khác với người Đức? Tại sao họ thản nhiên sống vượt quá khả năng thu nhập của mình và tại sao nhiều người trốn thuế và có thói quen ném các loại rác vào chung một thùng? Để trả lời cho những câu hỏi này, nhà thiết kế 33 tuổi quyết tâm thay đổi hành vi sống của đa số người dân Hy Lạp và của cả các quan chức chính phủ. Từ đó, cô trở thành một trong những người tiên phong trong phong trào xây dựng lại xã hội dân sự cho Hy Lạp.

Với Karantza, cuộc khủng hoảng hiện nay là cơ hội cho sự thay đổi. ITC của hai người trẻ tuổi này là một văn phòng điều phối các sáng kiến của công dân và có một chương trình quy mô lớn với mục đích cải thiện cung cách quản lý của các thành phố và làng mạc.

Việc làm của Xydia và Karantza khiến nhiều chính quyền địa phương trên khắp Hy Lạp nể phục. Với sự giúp đỡ của ITC, người dân Hy Lạp giờ đây có thể trao đổi thông tin dễ dàng hơn, được tiếp cận cả các báo cáo và thống kê từ những cơ quan công quyền. Các công trình công cộng không còn được dễ dàng cấp phép xây tràn lan lãng phí. Mọi thứ đã bắt đầu thay đổi tại Hy Lạp trong những tháng gần đây. Người dân đang làm nhiều việc hơn là chỉ đình công, gây bạo động và một tinh thần cộng đồng chưa từng có.

Tại các thành phố, chẳng hạn như Thessaloniki, đã hình thành một hợp tác xã đứng ra mua lại nhà máy nước của thành phố qua phong trào có tên “136”, vì bất cứ ai tham gia sẽ góp 136EUR (181USD) để mua nhà máy. Tại bán đảo Chalkidiki, người dân Hy Lạp liên kết phản đối kế hoạch liên doanh giữa một công ty của Canada và ông trùm xây dựng Hy Lạp khai thác mỏ vàng tại đây. Đây là điều rất đáng chú ý vì bảo vệ môi trường chưa bao giờ có trong tâm trí người dân Hy Lạp.

Nếu Hy Lạp cần một biểu tượng đoàn kết mới, Giorgos Vichas sẽ là ứng cử viên có khả năng. Vị bác sĩ tim mạch 55 tuổi này là chủ phòng khám tại một căn cứ không quân cũ, phía Nam Athens. Ông cùng 90 bác sĩ khác với nhiều chuyên khoa khám bệnh, điều trị miễn phí trong bối cảnh Chính phủ Hy Lạp không còn khả năng chi trả bảo hiểm y tế. Mỗi tháng phòng khám thu hút đến 3.000 bệnh nhân. Đồng tiền không quan trọng bằng niềm tin và sự chia sẻ. Mọi người tự tìm ra các hình thức trao đổi giúp đỡ lẫn nhau như mua vé trả bằng thực phẩm, phí tư vấn đổi lại bằng sản phẩm tiêu dùng…

Thay đổi nhận thức

Vấn đề không phải do đức tính, theo Karantza, “nếu một người Hy Lạp sống ở Đan Mạch, người đó vẫn cư xử như một người Đan Mạch, nộp thuế đầy đủ và có tinh thần tiết kiệm. Ngược lại, một người Đức sống ở Hy Lạp cũng sẽ không thèm trả hóa đơn tiền nước chỉ vì anh ta không nhận được chúng thường xuyên và cũng chẳng ai đôn đốc anh phải trả tiền. Theo cô, pháp luật xác định hành vi con người trong xã hội và với nhiều người dân Hy Lạp, nhà nước từ lâu đã không được lòng dân. Một số vấn đề tiêu cực cho tới nay vẫn còn tồn tại mà không ai quan tâm, xem như chuyện đương nhiên. Trong năm thứ 6 liên tiếp sống trong khủng hoảng, nhiều định chế của Hy Lạp không như xưa, trong đó có hệ thống y tế. Cơ quan y tế quốc gia nợ các chủ nợ hơn 2 tỷ EUR, chính phủ nợ kinh tế tư nhân khoảng 7 tỷ EUR. Những vấn đề tiêu cực có lúc được các chính trị gia xem là “luật” buộc mọi người tuân theo đã đẩy Hy Lạp tới đường cùng, nhưng giờ đây khái niệm như vậy đang thay đổi.

Khoảng 3.000 sáng kiến được áp dụng trên khắp Hy Lạp trong 3 năm qua. Tất cả đều có cùng một mục tiêu: thêm tích cực, giảm tiêu cực. Từ những sáng kiến này đã có hợp tác xã thực phẩm, vườn cộng đồng, dược phẩm xã hội và các chương trình hỗ trợ khu vực dành cho người nghèo. Và bây giờ, mặc dù không giàu nhưng người Hy Lạp biết cảm thông và bao dung hơn. Cuộc khủng hoảng xem ra đã giúp cộng đồng Hy Lạp trở nên đoàn kết hơn.

Giới trẻ đang đóng vai trò quan trọng để đưa Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng chứ không như trước đây, họ chỉ quen với việc sống trong một hệ thống, trong đó mối quan hệ ràng buộc với những người có ảnh hưởng quan trọng hơn là hiệu suất công việc. Điều đó lý giải vì sao trong một thời gian dài, nhiều phụ huynh trên khắp Hy Lạp luôn muốn con em mình làm trong khu vực công. Có thể nói rằng cuộc khủng hoảng chưa thể làm thay đổi nhiều bậc cha mẹ nhưng đã và đang làm thay đổi con cái của họ.

KHÁNH MINH tổng hợp

Tin cùng chuyên mục