Khủng hoảng INF không có tiến triển

Ngày 5-12, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố, Moscow vẫn đang tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) - một hiệp ước thời Chiến tranh Lạnh nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân tầm trung. 

Tuyên bố được đưa ra sau phát biểu họp báo tại hội nghị ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Moscow đã vi phạm INF và Mỹ sẽ rút khỏi INF, chấm dứt nghĩa vụ của mình với hiệp ước này như một biện pháp trả đũa nếu Nga không tuân thủ một cách hoàn toàn và có thể kiểm chứng trong vòng 60 ngày (bắt đầu từ 4-12).

Theo Ngoại trưởng Pompeo, Nga đã phát triển “nhiều tiểu đoàn tên lửa SSC-8”, hay còn được biết đến là tên lửa hành trình tầm trung với tên gọi Novator 9M729, mà “tầm bắn của tên lửa khiến chúng trở thành một mối đe dọa trực tiếp với châu Âu”. Trong 60 ngày, Nga phải ngưng triển khai hệ thống tên lửa 9M729 nếu không muốn thỏa thuận hạn chế vũ khí hạt nhân tầm trung song phương bị xé bỏ. Mỹ cam kết vẫn sẽ không thử nghiệm, sản xuất hoặc triển khai bất kỳ hệ thống nào và chờ xem điều gì xảy ra trong khoảng thời gian 60 ngày.

Cũng sau hội nghị ngoại trưởng NATO, ngoại trưởng các nước thuộc NATO ra một tuyên bố ủng hộ những cáo buộc của Mỹ đối với Nga, chính thức cáo buộc Moscow vi phạm INF, một hiệp ước loại bỏ khỏi châu Âu các tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất. Mỹ và các đồng minh NATO cho rằng, Nga đã sản xuất và triển khai tên lửa hành trình trên mặt đất trong 2 giới hạn phạm vi cấm là 500km và 5.500km và có thể triển khai rộng rãi ở châu Âu cũng như phía đông dọc theo biên giới Trung Quốc, trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Đuma Quốc gia (Hạ viện Nga) Yuri Shvytkin nhấn mạnh, Moscow chưa bao giờ rút khỏi INF. Nếu Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận sẽ phá hủy sự ổn định tại châu Âu, còn các nước trong khu vực sẽ trở thành “con tin của chính sách vô trách nhiệm của Mỹ”.

Theo ông, chính Mỹ là bên vi phạm INF bằng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis ở Romania và Ba Lan, với lý do là các bệ phóng được sử dụng trong hệ thống phòng thủ đánh chặn có thể được điều chỉnh để bắn tên lửa hành trình tấn công.

Ông Yuri Shvytkin cho rằng, nếu Washington quyết định rút khỏi INF thì buộc Moscow đáp trả bằng các biện pháp thích ứng nhằm duy trì cân bằng lực lượng.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ý định rời bỏ hiệp ước INF (ngày 20-10) cho đến nay, Washington vẫn chưa đưa ra một thông báo chính thức về việc rút lui này. Lo ngại khả năng trở thành “con tin đứng giữ hai làn đạn”, các nguồn tin cho biết, các nhà lãnh đạo châu Âu đang tìm cách để môi giới cho một thỏa thuận cuối cùng giữa Mỹ và Nga để cứu INF.

Theo The Guardian, tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thuyết phục Tổng thống Donald Trump trì hoãn thủ tục chính thức rút khỏi INF cho đến năm mới.

Giới phân tích cho rằng, diễn biến mới nhất cho thấy tiến trình đối thoại giữa Nga và Mỹ vẫn giậm chân tại chỗ trong bối cảnh 60 ngày mà Ngoại trưởng Mỹ đưa ra là cơ hội cuối cùng để Moscow và Washington đàm phán một thoả thuận mới, có thể bao gồm cả việc thanh tra lẫn nhau hệ thống vũ khí hai bên.

Tin cùng chuyên mục