Khủng hoảng kinh tế chia rẽ Hội nghị G8

Ngày 18-5, Hội nghị thượng đỉnh của 8 nền kinh tế lớn trên thế giới (G8) đã khai mạc tại trại David - khu nghỉ biệt lập của Tổng thống Mỹ Obama. Mặc dù chương trình nghị sự được dự đoán sẽ bao quát các vấn đề lớn liên quan đến an ninh, chính trị và kinh tế của thế giới, nhưng số phận của khu vực đồng tiền chung châu Âu liên quan tới Hy Lạp sẽ là mối quan tâm hàng đầu tại Hội nghị G8 lần này.
Khủng hoảng kinh tế chia rẽ Hội nghị G8

Ngày 18-5, Hội nghị thượng đỉnh của 8 nền kinh tế lớn trên thế giới (G8) đã khai mạc tại trại David - khu nghỉ biệt lập của Tổng thống Mỹ Obama. Mặc dù chương trình nghị sự được dự đoán sẽ bao quát các vấn đề lớn liên quan đến an ninh, chính trị và kinh tế của thế giới, nhưng số phận của khu vực đồng tiền chung châu Âu liên quan tới Hy Lạp sẽ là mối quan tâm hàng đầu tại Hội nghị G8 lần này.

  • Đau đầu vì Hy Lạp

Theo hãng tin AFP, bầu không khí tại Hội nghị G8 sẽ bị phủ bóng đen vì những diễn biến chính trị diễn ra tại Hy Lạp. Ủy ban châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu đang thảo luận tình huống khẩn cấp về khả năng Hy Lạp buộc phải rút khỏi khu vực đồng euro (eurozone). Các nhà lãnh đạo và chuyên gia châu Âu cảnh báo nếu Hy Lạp rút khỏi đồng euro thì nền kinh tế châu Âu và thế giới sẽ bị thiệt hại to lớn. Eurozone sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ EUR, tương đương 5% GDP của khối.

Các nhà phân tích cho biết nếu Hy Lạp quay lại với đồng tiền của họ thì đồng tiền này sẽ mất giá 50% và họ sẽ không có gì để xuất khẩu nhằm thu về ngoại tệ, bởi lý do lâu nay Hy Lạp không chủ trương phát triển mạnh sản xuất, chỉ ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ, trong đó có dịch vụ tài chính và du lịch.

Người dân tại Madrid, Tây Ban Nha, xếp hàng lấy thực phẩm từ thiện.

Người dân tại Madrid, Tây Ban Nha, xếp hàng lấy thực phẩm từ thiện.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel, một trong những nhà lãnh đạo chủ trương áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng cũng đang lâm vào tình thế khó khăn. Trong nước, do không nhận được sự ủng hộ của người dân trong chính sách kinh tế nên đảng cầm quyền Đức đã hứng chịu một thất bại lớn tại cuộc bầu cử địa phương ở bang đông dân nhất nước này.

Bà Merkel còn đối mặt với nguy cơ bị cô lập tại G8 do có các nhà lãnh đạo châu Âu tham dự hội nghị đã bày tỏ sự không đồng tình với các chính sách của Đức nhằm đưa eurozone thoát khỏi suy thoái.

Lãnh đạo các nước châu Âu trong G8 như Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Italia Mario Monti… đang ủng hộ chính sách kích thích tăng trưởng và tạo thêm việc làm của tân Tổng thống Pháp Francois Hollande và sẽ gây áp lực với Đức để nước này đẩy mạnh tăng cường nhu cầu nội địa để tái cân bằng eurozone.

  • Nỗi lo của nước Mỹ

Tuy nhiên, khó có thể kỳ vọng một sự thay đổi bất ngờ trong lập trường của Đức hay một bước đột phá nào cho cuộc khủng hoảng châu Âu tại trại David. Với sự xuất hiện đều là lần đầu tiên của 3 nhà lãnh đạo đến từ Pháp, Italia và Nhật Bản, cũng như không có sự tham dự của Tổng thống Putin, Hội nghị G8 lần này được dự đoán sẽ là một sự kiện để trò chuyện hơn là để đưa ra hành động.

Tâm lý lo ngại hiện nay là cuộc khủng hoảng có thể vượt sang bên kia bờ Đại Tây Dương, làm đình trệ nền kinh tế Mỹ. Ngay trước thềm Hội nghị G8, đã có những lời kêu gọi từ phía Mỹ, thúc giục các nước châu Âu có biện pháp quyết liệt hơn chứ không chỉ dựa vào chính sách khắc khổ.

Tổng thống Obama từng bày tỏ quan điểm cân bằng biện pháp ổn định tài chính với các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng. Tại G8, ông Obama được trông đợi sẽ thúc giục châu Âu ủng hộ các biện pháp phục hồi kinh tế như của Mỹ từ năm 2009 đã giúp nền kinh tế nước này thoát khỏi suy thoái hơn 3 năm sau đó.

Nhằm thúc đẩy việc mở rộng thị trường của Mỹ sang các nước châu Phi, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mời Tổng thống Benin Yayi Boni, Thủ tướng Ethiopia Meles Zenawi, Tổng thống Ghana John Mills và Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete tham gia cuộc họp về an ninh lương thực của châu lục này tại G8. Chủ đề an ninh lương thực, tình hình Syria, giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Iran cũng sẽ được thảo luận tại hội nghị diễn ra trong 2 ngày này.

Cuộc khảo sát mới công bố ngày 18-5 cho thấy đa phần người dân Hy Lạp sẽ quay lại ủng hộ những đảng phái đã đàm phán về gói cứu trợ của châu Âu. Dư luận nhận định người dân Hy Lạp đã ý thức được sức tàn phá của việc rời bỏ đồng euro lớn hơn tình cảnh thắt lưng buộc bụng. Kết quả điều tra dư luận cũng cho thấy, đảng New Democracy từng nằm trong liên minh cầm quyền của đảng Xã hội Pasok, những đảng đàm phán về gói cứu trợ cho Hy Lạp sẽ dẫn đầu trong cuộc bầu cử sắp tới, và New Democracy cùng với Pasok sẽ có đủ số ghế để thành lập một chính phủ.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục