Trong tuần qua, cả nước Đức rúng động bởi một loạt cuộc tuần hành quy mô lớn của phong trào mới có tên PEGIDA (Người châu Âu yêu nước chống Hồi giáo hóa phương Tây). Phong trào này không chỉ quy tụ được các đảng phái cực hữu mà lôi kéo nhiều người dân trước đây chưa từng có tư tưởng chống Hồi giáo và bài ngoại. Hiện, nước Đức đã chứng kiến sự trỗi dậy đáng lo ngại của AfD - một đảng nhỏ theo xu hướng chống liên kết châu Âu. Đây vốn là một phong trào dân túy cánh hữu được các phần tử phát xít mới hậu thuẫn. Vào mỗi tối thứ hai hàng tuần, hàng ngàn đối tượng thuộc AfD tổ chức các cuộc diễu hành, vẫy quốc kỳ Đức và hô vang các khẩu hiệu chống lại người Hồi giáo và những người tị nạn tại Đức.
Giới quan sát thừa nhận sự xuất hiện của PEGIDA có thể so sánh với các phong trào chống người nước ngoài tại Pháp, Hà Lan, Áo và Hy Lạp.
Nhật báo Liberation số ra ngày 12-12 bình luận rằng, người nhập cư ồ ạt làm xáo trộn xã hội Đức đang thách thức và tạo nên một cuộc khủng hoảng về lòng bao dung. Theo báo này, PEGIDA đang lan ra nhanh chóng trên toàn nước Đức. Nó lớn mạnh đến mức mà nhà cầm quyền dường như bất lực, các đảng phái chính trị cũng nhìn thấy lợi ích ở đó, tức có thể kiếm phiếu ủng hộ bằng các cam kết hạn chế nhập cư.
Hiện tại, nước Đức chỉ đứng sau Mỹ về người nhập cư. Từ đầu năm đến nay, nhà cầm quyền Đức đã nhận được 200.000 đơn xin tị nạn. Số người nhập cư vào Đức tăng nhanh trong thời gian qua, nhất là khi xung đột leo thang tại Iraq và Syria. Năm 2008, Đức tiếp nhận 28.000 người nhập cư, đến năm 2012, con số này tăng lên thành 77.000, rồi 127.000 vào năm 2013.
Người nhập cư quá đông làm chính quyền trở tay không kịp trong các chính sách nhân đạo. Bởi vậy, nhiều biện pháp chữa cháy đã được nhà cầm quyền áp dụng, như: dựng lều tạm, tận dụng xe tải làm chỗ ở, sử dụng tạm trường học hoặc doanh trại quân đội… Và điều đó đương nhiên ảnh hưởng đến đời sống người địa phương. Người dân Đức cũng tức giận vì nhà cầm quyền tiếp nhận nhập cư mà không hề để ý đến tâm trạng của người dân.
Nhập cư thật sự là cần thiết cho Đức bởi lẽ dân số nước này thuộc loại dân số già, và vì ngành công nghiệp Đức đang thiếu nguồn nhân công có chất lượng. Thế nhưng, những hệ quả phát sinh từ nhập cư làm cho người bản xứ lo ngại, như việc gia tăng thất nghiệp, sự xuống dốc của đạo đức xã hội, sự gia tăng tội phạm, và đặc biệt là sự mất dần “giá trị đặc thù của người Đức”.
Dù Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas khẳng định những cuộc biểu tình phản đối người nước ngoài tại Đức không phải là quan điểm của số đông người dân nước này và tuyên bố: “Đức không thể ngồi im khi xu hướng bài ngoại trỗi dậy nhằm vào những người vốn đã mất tất cả và đến với nước Đức để tìm kiếm sự giúp đỡ”. Song, nhiều nhà phân tích chính trị cảnh báo nhóm PEGIDA sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm, nếu nó kích động được bản năng hung hăng và coi thường pháp luật của đám đông những đối tượng cực đoan.
VIỆT ANH