Theo dự báo Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Chính vì thế, thay đổi nhận thức trong sản xuất, kinh doanh để có những hành động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường đòi hỏi phải có sự tham gia và tinh thần trách nhiệm rất lớn từ phía các doanh nghiệp.
Theo phó Chi cục Trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường, ông Hà Văn Dũng, phát triển xanh, tiêu dùng xanh… đang là xu hướng chung trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam vấn đề này chưa được phát triển một cách rộng rãi, vì thế nhận thức của một số doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế. Để góp phần bảo vệ môi trường, tiến tới phát triển xanh, phát triển bền vững chúng ta phải kêu gọi sự thay đổi của doanh nghiệp cả về nhận thức lẫn hành động.Việc nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường phải được các doanh nghiệp quan tâm hơn. “Sạch và xanh” nên là yếu tố cốt lõi trong việc kinh doanh của một tổ chức vì dĩ nhiên tăng trưởng kinh tế luôn phải đi cùng với việc bảo vệ môi trường thì mới phát triển được bền vững.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Lê Khoa, Quản lý văn phòng xanh, công ty Honda Tường Phát cho biết, bắt đầu từ năm 2008, ban lãnh đạo công ty đã định hướng phát triển theo hướng bền vững, kết hợp giữa kinh tế và bảo vệ môi trường. Để làm được việc này, ngay từ khâu thiết kế văn phòng công ty đã chú trọng đến việc tối ưu hóa sử dụng ánh sáng tự nhiên, xây dựng hệ thống văn phòng theo tiêu chí open office. Điểm nhấn của văn phòng chính là bộ EMS hệ thống quản lý môi trường. Với hệ thống này công ty có thể liệt kê chi tiết các tiêu chí xanh của chương trình Green Office; cách thực hiện các tiêu chí về tiết kiệm, điện nước… Thành công của công ty khi áp dụng hệ thống EMS được đánh giá qua bản kiểm toán năng lượng và tài nguyên văn phòng (điện, nước, giấy…). Về điện công ty đã giảm trung bình 1 tháng là 8 triệu (mức trung bình sử dụng điện trước khi áp dụng EMS là 16 triệu/tháng), về nước cũng giảm được trung bình 1,4 triệu/tháng so với trước khi áp dụng EMS.
Ông Hồ Quốc Nguyên, Đại sứ môi trường công ty Bayer cũng cho biết, để khuyến khích các thành viên trong công ty có ý thức bảo vệ môi trường, công ty đã thành lập “Chương trình đại sứ môi trường Bayer”. Dự án nằm trong khuôn khổ hợp tác với Ủy ban môi trường thuộc liên hiệp quốc (UNEP) hướng đến việc nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường trong giới trẻ và hỗ trợ giới trẻ hành động vì môi trường. Đại sứ tiêu biểu được chọn tham gia chuyến du khảo sinh thái một tuần tại Đức để trải nghiệm mô hình bảo vệ môi trường điển hình thông qua người dân, Chính phủ và các ngành công nghiệp. Không chỉ thế, công ty còn thường xuyên tổ chức các hội trại sinh thái cho các bạn trẻ để mọi người học tập và chia sẻ lẫn nhau những kinh nghiệm về giáo dục môi trường, cải thiện kỹ năng mềm. Trong những đợt hội trại như vậy, công ty đã tìm được những đại sứ xuất sắc, có nhiều sáng kiến xanh thực tế, chẳng hạn như sáng kiến của đại sứ môi trường Bayer 2010, Nguyễn Thị Thanh Thảo với sáng kiến “Bài tập toán xanh” lồng việc giáo dục môi trường vào bài tập toán dành cho học sinh tiểu học, được in thành sách và tặng cho Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM 15.000 cuốn.
Th.S Nguyễn Quang Vinh, Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam cho biết, thế giới đang phải đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng từ việc môi trường bị thay đổi. Theo thống kê hiện nay có khoảng 1,6 tỷ người sống trong điều kiện không có điện; 900 triệu người không có phương tiện giao thông và 1,8 triệu người chết/năm trong điều kiện thiếu vệ sinh và nước sạch. Để hạn chế tình trạng này việc khuyến khích các doanh nghiệp phát triển xanh đang là ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia. Các doanh nghiệp cần phải xây dựng một kế hoạch phát triển bền vững, có những sáng kiến xanh nhằm tiết kiệm năng lượng, hạn chế thải khí thải ra môi trường…trên thực tế đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện nhiều sáng kiến về sản xuất và vận hành “xanh” hướng tới phát triển bền vững như sáng kiến xây dựng khách sạn “xanh” của Saigon Tourist, kế hoạch phát triển bền vững của Unilever...
MINH HẢI