Khuyến khích triển khai nhiều mô hình thực phẩm sạch

Xây dựng mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), đồng thời triển khai thực hiện phương án quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn (TPAT), sẽ là một trong những chương trình trọng điểm để TPHCM từng bước hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại. Sau nhiều năm kiên trì thực hiện, tại TPHCM hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp (DN) tham gia chuỗi TPAT, đồng thời phát triển 308 điểm bán ATTP.
Khuyến khích triển khai nhiều mô hình thực phẩm sạch

Xây dựng mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), đồng thời triển khai thực hiện phương án quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn (TPAT), sẽ là một trong những chương trình trọng điểm để TPHCM từng bước hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại. Sau nhiều năm kiên trì thực hiện, tại TPHCM hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp (DN) tham gia chuỗi TPAT, đồng thời phát triển 308 điểm bán ATTP.

Cùng với thịt heo, ngành hàng rau củ quả tại chợ đầu mối Hóc Môn được chọn triển khai thí điểm mô hình chợ ATTP Ảnh: KIM CHUNG

Hơn 32.518 tấn hàng hóa đạt chuẩn ATTP

Nhằm thực hiện văn minh thương mại, chú trọng bán hàng đạt chuẩn an toàn, phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển của TP, Sở Công thương đã triển khai mô hình “Điểm phân phối, bán hàng đạt chuẩn an toàn”. Đến nay, sở đã công bố 308 điểm phân phối, bán hàng đạt chuẩn an toàn được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP để giới thiệu cho người tiêu dùng những điểm mua sắm tin cậy, đạt chuẩn ATTP và giá cả ổn định.

Hướng tới, TP tiếp tục khuyến khích các DN xây dựng cửa hàng chuyên bán thực phẩm sạch gắn mác “thực phẩm chuỗi”. Các sản phẩm tại đây đều đạt tiêu chuẩn sạch và an toàn nhờ được quản lý theo mô hình khép kín, kiểm soát chặt từ khâu con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, sơ chế đến chế biến. Tính đến nay, đã có hơn 50 DN của TP và các địa phương tham gia chuỗi, với số lượng mặt hàng đạt tiêu chuẩn lên đến gần 100 sản phẩm, cung ứng tổng sản lượng 32.518 tấn hàng hóa mỗi năm. Các mặt hàng gồm: rau củ quả đạt 16.118 tấn/năm, thịt heo (8.559 tấn/năm), thịt gà (7.665 tấn/năm), trà (140 tấn/năm), thủy sản (36 tấn/năm), trứng gia cầm (gần 35 triệu  quả/năm)...

Trong số đó, có hơn 10 DN bình ổn thị trường (BOTT) tại TPHCM tham gia là các đơn vị sản xuất kinh doanh lớn, có thương hiệu mạnh như Vissan, Cầu Tre, Phạm Tôn, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, Anh Đào... Một số DN khác trong chương trình BOTT cũng đang hoàn thiện quy trình theo quy định để đăng ký tham gia chuỗi, tích cực hợp tác đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư mở rộng sản xuất sản phẩm đạt chuẩn VietGAP để được xác nhận, đưa vào phân phối tại các điểm bán đang được Ban Quản lý Đề án chuỗi TPAT xây dựng và công bố.

Về phía các DN phân phối như Saigon Co.op, Satra đang tích cực xây dựng và phát triển mạng lưới, với nhiều hình thức đa dạng như trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh thực phẩm, cửa hàng tiện lợi. Đồng thời, các DN này cũng tập trung vào mảng phát triển nhãn hàng riêng để hình thành quy trình khép kín từ sản xuất đến phân phối, chủ động hoạt động kinh doanh, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Sẽ mở rộng mô hình chợ ATTP

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương, song song với công tác triển khai các chương trình BOTT, sở phối hợp với Ban Quản lý Đề án chuỗi TPAT xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi TPAT tại TPHCM giai đoạn 2016-2020”. Mặt khác, TP cũng tập trung triển khai dự án mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP tại 2 chợ là Bến Thành và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn.

 

 Theo số liệu của Sở Công thương, quý 1-2016, sở đã tổ chức thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 33 cơ sở, từ chối cấp 3 trường hợp. Bên cạnh đó, sở đã tổ chức xác nhận và cấp 115 Giấy xác nhận kiến thức về ATTP cho 917 đối tượng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm.

 

Được biết, tiến độ triển khai mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP đang diễn ra khả quan. Các nhóm mặt hàng được chọn để thực hiện tại chợ Bến Thành là ngành hàng thịt gia súc, thịt gia cầm; rau củ quả và ngành hàng ăn uống. Đối với chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, các bên cũng thống nhất chọn ngành hàng thịt gia súc, đồng thời đầu tư để nâng cấp một phần khu vực rau củ quả để triển khai đề án.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương, nhìn nhận ở ngành hàng thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, khả năng thực hiện thí điểm mô hình ATTP thành công là rất cao, vì hiện nay nguồn thịt về chợ đều đã thực hiện tốt công đoạn truy suất nguồn gốc, xuất xứ. Nhưng ở nhóm rau củ quả và thủy hải sản cần có thời gian mới thực hiện được, vì đây không nằm trong những nhóm hàng sản xuất tập trung, khó quản lý đầu vào. “Về lâu dài, nếu TP triển khai tốt mô hình này, thì cùng với Vissan, chợ Hóc Môn sẽ là đầu mối cung cấp thịt heo uy tín đến các điểm bán lẻ ở các chợ truyền thống, các cửa hàng, siêu thị. Khi đó, TP sẽ gặp nhiều thuận lợi trong việc triển khai rộng rãi mô hình chợ ATTP trên toàn địa bàn, từng bước đẩy lùi hàng không đạt chất lượng, không đảm bảo ATTP. Để làm được việc này, về phía các sở, ngành, quận, huyện cũng như ban quản lý các chợ phải có sự am hiểu và phân vai thật cụ thể về nghĩa vụ và trách nhiệm các bên trong việc vận động và hỗ trợ tiểu thương trong quá trình thực hiện”, ông Phương nói.

KIM CHUNG

Tin cùng chuyên mục