Hôm nay, ngày 19-3, danh sách chính thức các ứng cử viên tham gia tranh cử Tổng thống Pháp sẽ được công bố sau thời gian được Hội đồng Hiến pháp xem xét.
Nổi bật trong cuộc chạy đua vào Điện Élysée năm nay là đương kim Tổng thống Sarkozy của Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP), ứng viên đảng Xã hội (PS) Francois Hollande và bà Marine Le Pen - Chủ tịch đảng Mặt trận Dân tộc (FN) theo đường lối cực hữu. Kết quả thăm dò gần đây cho thấy đây là 3 ứng cử viên có khả năng giành được tỷ lệ ủng hộ cao nhất ở vòng bầu cử đầu tiên vào tháng 4 tới.
Cũng như những cuộc tranh cử khác, các ứng viên Tổng thống Pháp đều có những chiến lược tranh cử mang đậm dấu ấn riêng dù mục đích chung vẫn là vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu như ông Sarkozy 4 năm về trước có được sự ủng hộ mạnh mẽ mang tính quyết định cho chức Tổng thống thì lần tranh cử này ông sẽ phải vất vả hơn nhiều trong mớ hậu quả của cơn bão kinh tế và tài chính, nỗi xấu hổ bị hạ bậc tín nhiệm, sự mất đồng bộ trong hoạt động của Pháp với Đức…
Để nhấn mạnh thêm “điểm yếu” của đối thủ, ứng viên Marine Le Pen chỉ trích đương kim Tổng thống và ông Hollande là những người thiên về toàn cầu hóa, chưa có biện pháp cụ thể để kiểm soát nhập cư dẫn đến an ninh nước Pháp bị đe dọa. Bà thuyết phục cử tri ủng hộ bằng cách mạnh mẽ chống đối xu hướng nhất thể hóa các quốc gia châu Âu. Theo bà, sự nhất thể hóa và việc sử dụng đồng tiền chung euro đã tạo ra một nền kinh tế châu Âu yếu kém hơn bao giờ hết, ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới.
Bà cũng thể hiện rõ quan điểm cứng rắn với tình trạng nhập cư với các biện pháp: yêu cầu gắt gao hơn đối với việc cấp quyền công dân Pháp cho người nước ngoài, kiểm soát chặt biên giới và ngăn cấm người nước ngoài vào Pháp theo bất cứ chính sách hỗ trợ xã hội nào.
Bản thân ông Sarkozy mới tuần trước cũng đã dọa sẽ rút nước này ra khỏi khu vực Schengen (khu vực miễn thị thực của 26 quốc gia châu Âu), nếu EU không đưa ra thêm các biện pháp nhằm ngăn dòng người nhập cư bất hợp pháp, đồng thời khẳng định sẽ giảm phân nửa số người nhập cư (hiện chiếm 11% dân số Pháp) nếu tái đắc cử.
Trong bài phát biểu tranh thủ sự ủng hộ của cử tri ngày 17-3, Tổng thống Sarkozy đã bất ngờ đề xuất đạo luật “Mua hàng châu Âu” để kéo cử tri về phía mình. Theo đó, những công ty châu Âu sẽ được ưu tiên dành được những hợp đồng công từ chính phủ các nước châu Âu. Nhiều chuyên gia kinh tế ngay lập tức cảnh báo cách thức bảo hộ này đi ngược với cam kết cạnh tranh lành mạnh khi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Christophe Destais, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo thông tin quốc tế (CEPII) có trụ sở đặt tại Pháp đặt câu hỏi: “Liệu có còn thích hợp khi phân biệt rạch ròi công ty trong nước và những tập đoàn quốc tế ở thế kỷ 21 đầy cạnh tranh này?”.
Cũng dễ hiểu vì sao ông Hollande, người yêu cầu bỏ cụm từ “sắc tộc” ra khỏi Hiến pháp, lại đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn cả. Phần lớn các ứng cử viên Tổng thống Pháp còn lại đang chuyển hướng tập trung của họ sang việc đổ lỗi cho người nhập cư mà quên rằng, theo số liệu từ Viện Dân số quốc gia Pháp (INED), lao động nước ngoài mang lại cho Pháp hơn 12 tỷ EUR/năm. Thêm vào đó, việc bất chấp dòng chảy của xu hướng quốc tế để bảo hộ cho lợi ích kinh tế của mình đã khiến cuộc chạy đua đến chức Tổng thống Pháp trở thành nỗ lực ngược dòng, mang tính khép kín.
NHƯ QUỲNH