Kích cầu du lịch, tạo đột phá

Ngày 20-2, tại TPHCM diễn ra Hội nghị thảo luận về ứng phó với dịch Covid-19 của ngành du lịch, do Sở Du lịch TPHCM phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức. Hàng loạt giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt đã được các doanh nghiệp đề đạt với mục đích sớm phục hồi ngành du lịch.
Du khách nước ngoài tham quan TPHCM ngày 20-2. Ảnh: CAO THĂNG
Du khách nước ngoài tham quan TPHCM ngày 20-2. Ảnh: CAO THĂNG

Giảm sâu giá tour, giá vé máy bay 

Trao đổi tại hội nghị, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết, để khôi phục ngành du lịch, đơn vị có đề ra 2 nhóm giải pháp, bao gồm thống nhất cùng các đơn vị, doanh nghiệp (DN) lữ hành, hàng không, dịch vụ… xây dựng chương trình kích cầu du lịch nội địa với mức giá giảm giá sâu tới khoảng 50%.

Kế đến là giải quyết các tồn tại, khó khăn của DN lữ hành phải chịu tác động bởi dịch Covid-19. Sở Du lịch hiện đã tổ chức một số cuộc gặp gỡ với DN, hiệp hội… nhằm lắng nghe, ghi nhận các ý kiến đóng góp cũng như những giải pháp giúp đảm bảo, duy trì mức độ phát triển trong và ngay khi chấm dứt dịch bệnh.

Du khách tham quan TPHCM ngày 20-2. Ảnh: CAO THĂNG

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam, nhìn nhận, du lịch Việt Nam đang tăng trưởng cao trong năm 2019 vừa qua, thì năm 2020 lập tức rơi vào khủng hoảng do dịch Covid-19. Một số địa phương nổi tiếng về du lịch giảm du khách trầm trọng. Các DN du lịch vừa gồng mình phòng chống dịch, vừa phục vụ, giải quyết các tình huống phát sinh.

Đối với TPHCM, địa phương đã có những kịch bản kịp thời để chuẩn bị khôi phục du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt. Chẳng hạn như các DN lữ hành kết hợp với các hãng hàng không kích cầu giảm giá, các sở ngành kịp thời tổ chức các cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN…

Thông tin đến hội nghị, ông Nguyễn Đăng Cường, Trưởng phòng Phát triển bán và tiếp thị của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), cho hay, dù đang trong thời điểm dịch bệnh nhưng các đối tác nước ngoài vẫn thường xuyên cập nhật tình hình kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam để có kế hoạch đưa du khách đến. Các đối tác của thị trường Trung Quốc cũng hỏi thăm bao giờ mở lại đường bay tới Việt Nam.

Riêng thị trường Australia, châu Âu, Nhật Bản lại quan tâm rất nhiều đến sự kiện giải đua xe công thức 1 (F1) diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 4. Đây là những tín hiệu tích cực cho ngành du lịch Việt Nam. Để hỗ trợ tốt ngành du lịch, Vietnam Airlines sẽ áp dụng giảm giá lên tới khoảng 50% (đường bay nội địa, quốc tế) cho khách hàng đặt vé máy bay. Ngoài ra, hãng cũng mở thêm các đường bay thẳng đến Ấn Độ, Australia. 

Khai thác thị trường mới

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TPHCM, cho rằng cần triển khai sớm chương trình kích cầu du lịch. Ngày 21-2, Hiệp hội Du lịch TP sẽ triển khai chương trình kích cầu du lịch TP. “Hiện chúng tôi đã có giá của một số hãng hàng không, các công ty cũng đã có các chương trình kích cầu cụ thể. Có công ty giảm giá dịch vụ từ 30%-40% so với giá bình thường. Có đơn vị đã xây dựng được tới vài chục chương trình tour…”, bà Khánh nói.

Chia sẻ về giải pháp khắc phục thiệt hại, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist, cho biết, năm 2020 có nhiều khó khăn cho ngành lữ hành thế giới cũng như Việt Nam. Để giữ được tốc độ phát triển, các đơn vị lữ hành đã phải xây dựng những hướng tiếp cận, khai thác thị trường khách mới.

Doanh thu sụt giảm khoảng 80%
Qua đánh giá sơ bộ của một số DN dịch vụ lữ hành lớn tại TPHCM, tính trong tháng 2 và đến quý 1-2020, doanh thu giảm từ 40%-60%. Riêng đối với các DN kinh doanh thị trường Trung Quốc, doanh thu giảm mạnh từ 70%-80%. Một số DN chuyên thị trường Trung Quốc thậm chí đã phải tạm ngưng hoạt động phòng du lịch cho đến tháng 6-2020. 


Để sớm phục hồi các thị trường quốc tế sau dịch, theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trọng tâm tiếp tục hướng đến các thị trường Đông Bắc Á; thị trường tiềm năng như Ấn Độ và thị trường lớn là Trung Quốc. Tất nhiên, đối với thị trường Trung Quốc sẽ chậm lại một chút nhưng cần tiếp tục triển khai thêm nhiều hoạt động khác. Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, thông tin thêm, bên cạnh các chương trình để thu hút khách sau dịch Covid-19, có thể Việt Nam sẽ quảng bá du lịch trên kênh truyền hình CNN (Mỹ), thuê màn hình quảng cáo lớn ở Seoul (Hàn Quốc), quảng cáo trên mạng xã hội Trung Quốc…

Thay mặt Tổng cục Du lịch Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá cao sự đồng lòng của tất cả các bên (doanh nghiệp, sự liên kết chặt chẽ của các sở ngành…) trên địa bàn TPHCM trong việc phòng chống dịch Covid-19. “Chính sự đồng lòng, tích cực này hứa hẹn ngành du lịch sớm phục hồi. Chúng tôi sẽ ghi nhận và báo cáo, đề xuất Chính phủ các chính sách có liên quan, hỗ trợ DN bị thiệt hại.

Cụ thể là 5 nhóm vấn đề: Thứ nhất liên quan đến thuế, như giảm thuế, giãn thuế, nộp chậm; thứ hai, nhóm tín dụng, các gói, hợp đồng vay, lãi suất; thứ ba, các chính sách góp phần làm thông thoáng thị trường (visa, tạo điều kiện kết nối Việt Nam với thế giới…); thứ tư, tăng cường xúc tiến quảng bá, hỗ trợ kinh phí xúc tiến ở cả trung ương lẫn địa phương...; thứ năm, chính là việc tăng cường nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Đối với Bộ VH-TT-DL sẽ triển khai 3 chương trình tập trung, gồm: truyền thông, kích cầu du lịch, xúc tiến du lịch quảng bá tăng cường”, ông Hà Văn Siêu nói.

Góp ý cho dự thảo Chiến lược phát triển du lịch TPHCM đến năm 2030

Ngày 20-2, Sở Du lịch TPHCM đã tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Chiến lược phát triển du lịch TPHCM đến năm 2030. Tham dự sự kiện có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, lãnh đạo Sở VH-TT-DL của một số tỉnh bạn, các doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch. 

Nội dung Chiến lược phát triển du lịch TPHCM đến năm 2030 hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng, chủ lực; tập trung nâng chất các sự kiện và biến sự kiện trở thành sản phẩm quảng bá, thu hút du khách quốc tế đến TPHCM.

Theo bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, trong chiến lược phát triển du lịch, sở đưa ra 9 mục tiêu chính cần đạt như: tỷ lệ khách quay lại thành phố đạt 50% (năm 2019 đạt 35%), xếp hạng toàn cầu lọt tốp 20 (năm 2019, TP lọt tốp 42), xếp hạng châu Á tốp 5 (năm 2019 tốp 13)…

Sắp tới, TPHCM tiếp tục xây dựng sản phẩm văn hóa lịch sử, y tế, mua sắm, ẩm thực, đường thủy và du lịch sinh thái - nông nghiệp; xây dựng hệ thống du lịch thông minh gắn với xây dựng đô thị thông minh; tăng cường phối hợp triển khai chương trình kích cầu du lịch vào thành phố; đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh ĐBSCL; đột phá thủ tục hành chính về cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; nâng cấp xây dựng mới trạm thông tin du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ khách du lịch của TP.

Tin cùng chuyên mục