Nhu cầu mua sắm vào các dịp lễ tết, đặc biệt Tết Nguyên đán gần như đã trở thành truyền thống của người Việt Nam. Và đây cũng là dịp để các nhà sản xuất kinh doanh có dịp “tạ lễ” với khách hàng của mình, đồng thời thúc đẩy mạnh mãi lực ở thời điểm “mùa vàng” này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây với tình hình kinh tế ngày càng khó khăn, công việc làm ăn thất bát của số đông người dân đã khiến việc chi tiêu ngày càng siết chặt. Đối với những mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu đang dần bị đẩy lùi trong tâm thức người dân, thậm chí một số mặt hàng “bán phần thiết yếu” như: ti vi, tủ lạnh… cũng ít được chú ý.
Hiện đã bước vào quý 4 - cao điểm mua sắm cuối năm, nhưng thị trường ở hầu hết lĩnh vực đều trầm lắng. Các siêu thị, trung tâm thương mại vốn là những điểm mua sắm ưa chuộng của người dân cũng lưa thưa khách hàng; bất chấp các chương trình khuyến mãi hoành tráng, giảm giá sâu. Điều này cũng cho thấy đầu ra của nhiều sản phẩm đang ứ đọng, làm gia tăng tồn kho tại các doanh nghiệp.
Dù vậy, theo nhận định của hầu hết chuyên gia kinh tế, với tâm lý mua sắm của người Việt, cuối năm vẫn là thời điểm kinh doanh tốt nhất cho các nhà bán lẻ. Trong đó, trong nhiều chiêu thức bán hàng hiện nay, giảm giá đang được xem là chiêu thức kinh doanh hiệu quả nhất vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức thu nhập của người tiêu dùng. Không chỉ năm nay, các năm 2011, 2012 trước đó sức mua của nhiều ngành hàng, trong đó có điện máy Việt Nam nhìn chung giảm mạnh. Thực tế, nhóm hàng điện máy vẫn được người tiêu dùng quan tâm nhưng vì tình hình kinh tế suy thoái đã làm người mua thận trọng trong khi mua sắm.
Do đó, họ phải dời lại kế hoạch mua sắm cho đến khi có điều kiện về tài chính hoặc có nhu cầu sử dụng cần thiết. Theo đánh giá của Bộ Công thương, hiện nay, mặc dù thị trường hàng hóa trong nước dồi dào, nguồn cung luôn được đảm bảo nhưng do mức độ phục hồi kinh tế chậm, thu nhập của người dân chưa được cải thiện đáng kể nên sức tiêu thụ không sôi động. Thậm chí, tổng mức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ hiện còn tăng thấp hơn so với cùng kỳ mọi năm.
Bất chấp các doanh nghiệp sản xuất, phân phối đã chủ động đẩy mạnh các biện pháp kích cầu như giảm giá, khuyến mại... nhưng sức mua vẫn chậm. Một số doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm, tiêu dùng... đã phải tiết giảm sản xuất để giảm hàng tồn kho. Với sức mua chậm như hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối thậm chí sẽ không mặn mà tăng hàng hóa dự trữ dịp cuối năm.
Trước tình hình trên, các doanh nghiệp cần phải nỗ lực tìm giải pháp giải phóng hàng tồn kho như: tìm kiếm thị trường xuất khẩu, giảm giá bán, khuyến mại, đưa hàng về nông thôn... Thậm chí một số doanh nghiệp linh hoạt thay đổi chính sách bán hàng như đưa ra giải pháp cam kết với người tiêu dùng từ nay đến cuối năm sẽ không tăng giá, chỉ có giảm giá; liên kết với các ngân hàng để kích cầu thông qua giảm 10% cho khách hàng khi thanh toán bằng thẻ tín dụng…
LẠC PHONG