Tuy là thế mạnh kinh tế nhưng việc phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL còn nhiều hạn chế. Một trong những trở ngại là nhiều nông dân chưa tiếp cận được nguồn vốn, từ đó ảnh hưởng đến sản xuất. Để tháo gỡ vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng các ngành liên quan tổ chức hội nghị “Giải pháp cho vay nông nghiệp nông thôn có bảo hiểm lãi suất tại ĐBSCL”, diễn ra tại tỉnh Kiên Giang vào sáng 17-10.
Có thể nói, nông dân ĐBSCL đang có nhu cầu vay vốn rất lớn để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thế nhưng nguồn vốn huy động toàn vùng từ các tổ chức tín dụng chỉ đáp ứng được 77% nhu cầu vay vốn. Điều này cho thấy vẫn còn rất nhiều hộ chưa thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, khiến việc sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng.
Chị Nguyễn Thị Hoa, ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), bộc bạch: “Hơn 2 năm qua việc chăn nuôi heo và trồng lúa gặp khó khăn do giá rớt khiến nhiều người thua lỗ. Khi nghe chủ trương hỗ trợ vốn để khôi phục ngành chăn nuôi, nông dân ai cũng mừng. Thế nhưng việc tiếp cận các ngân hàng xin vay vốn rất khó, bởi họ viện nhiều lý do như không đủ tiêu chuẩn, nghề chăn nuôi gặp nhiều rủi ro… cuối cùng từ chối cho vay”.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực được ngành ngân hàng quan tâm ưu tiên nguồn vốn, nhằm tạo sức bật cho nền sản xuất hàng hóa góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Song bức xúc đặt ra là làm sao nông dân dễ tiếp cận vốn ngân hàng? Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho rằng: “Để người dân nông thôn có điều kiện sản xuất, phát triển kinh tế hộ thì cần giải quyết 3 vấn đề thiết thực. Thứ nhất, ngân hàng cho vay với lãi suất hợp lý theo từng thời điểm; thứ hai, thủ tục cần đơn giản, nhanh gọn tránh phiền hà; thứ ba, cung ứng nguồn vốn cho nông dân kịp thời, đúng thời điểm bà con cần tiền đầu tư sản xuất. Nếu các ngân hàng làm tốt 3 việc trên sẽ góp phần to lớn thúc đẩy nông nghiệp nông thôn phát triển”.
Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước có nhiều thay đổi, việc giải ngân tín dụng cho nông nghiệp nông thôn cũng phải thay đổi nhằm thích ứng với tình hình mới. Để cung ứng nguồn vốn cho nông nghiệp nông thôn ở ĐBSCL đem lại hiệu quả thì một trong những vấn đề cần lưu tâm là nghiên cứu thay đổi tập quán, mô hình sản xuất nông nghiệp ở vùng này.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc CTCP Bảo vệ thực vật An Giang đưa ra dẫn chứng thực tế cách làm hiệu quả từ mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. Ông Thòn cho rằng: “Hầu hết nông dân làm nông nghiệp ở ĐBSCL đang thiếu vốn, thiếu khoa học kỹ thuật, gặp trở ngại trong mua vật tư đầu vào và khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ra đời đã giải quyết được những cái khó trên khi doanh nghiệp cung ứng vật tư, giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Kết quả cho thấy mô hình này doanh nghiệp đã giúp nông dân thu lợi thêm được 962 đồng/kg lúa. Cũng từ mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, doanh nghiệp đã hấp thụ nguồn vốn lớn từ ngân hàng, sau đó hỗ trợ cho nông dân thông qua việc đầu tư vật tư, giống, thu mua sản phẩm… Đây là cách làm mới mà tất cả các bên tham gia như ngân hàng, doanh nghiệp, nông dân… đều có lợi”.
HUỲNH PHƯỚC LỢI