Thanh tra Bộ GD-ĐT vừa công bố kết luận thanh tra tại Trường ĐH Y Dược TPHCM. Theo đó, trường có những sai phạm trong công tác tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng.
Sai phạm trong liên kết tuyển sinh
Theo kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT, năm 2005, Bộ GD-ĐT có văn bản cho phép Trường ĐH Y Dược TPHCM và Trường ĐH Tây Nguyên được liên kết đào tạo 70 chỉ tiêu bác sĩ, dược sĩ cho các tỉnh Tây Nguyên (lấy trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2005 của Trường ĐH Tây Nguyên). Tuy nhiên, từ năm 2006 - 2008, dù không có văn bản cho phép tuyển sinh của Bộ GD-ĐT nhưng hai trường này vẫn tiếp tục tuyển sinh, đào tạo theo hình thức trên. Tổng số đã tuyển sinh trong những năm này là 176 chỉ tiêu (ngành Dược 117 chỉ tiêu, ngành Răng hàm mặt 59 chỉ tiêu).
Trường ĐH Y Dược TPHCM đã đóng dấu, cấp bằng tốt nghiệp cho người học trên phôi bằng của Trường ĐH Tây Nguyên chuyển giao. Tổng số văn bằng Trường ĐH Y Dược TPHCM đã cấp sử dụng phôi bằng của Trường ĐH Tây Nguyên là 196 văn bằng. Hiện còn 9 sinh viên ngành Dược và 10 sinh viên ngành Răng hàm mặt chưa tốt nghiệp.
Tương tự, năm 2009 Trường ĐH Y Dược TPHCM tiếp tục liên kết với ĐH Đà Nẵng để tuyển sinh mà không đề nghị Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu. Số lượng đã tuyển là 45 sinh viên: Y đa khoa 18 sinh viên, Dược sĩ 27 sinh viên. Đến năm 2011, trường lại được Bộ GD-ĐT cho phép bổ sung 60 chỉ tiêu tuyển sinh hệ liên thông để đào tạo ngành Y đa khoa theo địa chỉ cho tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, địa điểm đào tạo tại Khoa Y ĐH Đà Nẵng. Trường đã thực tuyển 66 chỉ tiêu, vượt 6 chỉ tiêu.
Năm 2012, Bộ GD-ĐT có văn bản đồng ý về chủ trương cho phép Trường ĐH Y Dược TPHCM liên kết với ĐH Đà Nẵng tuyển sinh, đào tạo liên thông ngành Y đa khoa trình độ đại học cho tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và có yêu cầu hai trường thực hiện theo đúng quy định. Tuy nhiên, trường chưa thực hiện đúng theo quy định (không ký kết hợp đồng liên kết đào tạo với ĐH Đà Nẵng) với số lượng đã tuyển sinh ngành Y đa khoa: 53 sinh viên.
Bên cạnh đó, trường báo cáo chưa chính xác về đội ngũ giảng viên, số liệu kiểm tra thực tế thấp hơn 197 giảng viên (quy đổi) so với số liệu đã báo cáo Bộ GD-ĐT. Có 21/23 hồ sơ được kiểm tra không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, 2/23 hồ sơ có văn bằng tốt nghiệp do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp chưa thực hiện công nhận văn bằng.
Học 27 năm vẫn cho tốt nghiệp, cấp bằng
Kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng cho biết, trong năm 2013, do có nhiều đơn thư kiến nghị, khiếu nại về việc một số sinh viên được trường cho phép học lại, thi lại và xét tốt nghiệp quá thời hạn, nhà trường tiến hành kiểm tra, rà soát và ban hành quyết định buộc thôi học 45 sinh viên Khoa Y. Qua kiểm tra hồ sơ quản lý đào tạo tại Khoa Y của trường cho thấy, việc cho phép các sinh viên hết thời gian tối đa được phép học, học lại, thi lại tốt nghiệp không đúng quy định tại Điều 6 Quy chế 25 (đào tạo theo niên chế) của Bộ GD-ĐT. Trường thực hiện căn cứ trên cơ sở đơn đề nghị của sinh viên và văn bản của sở y tế địa phương nhưng không thống nhất dẫn đến phát sinh các đơn thư kiến nghị, khiếu nại.
Qua xem xét 16 trường hợp cho thấy trường không xử lý buộc thôi học đối với các trường hợp đã hết thời gian tối đa được phép học theo đúng quy định. Riêng trường hợp N.V.C. (sinh năm 1965 tại Cao Lãnh, Đồng Tháp) có tổng thời gian từ khi trúng tuyển đến khi được xét tốt nghiệp và cấp bằng là 27 năm. Thanh tra Bộ GD-ĐT khẳng định, trường hợp N.V.C. đã được trường xét tốt nghiệp, cấp bằng khi không đủ điều kiện tốt nghiệp và có thời gian đào tạo kể từ khi nhập học đến khi được công nhận tốt nghiệp vượt quá thời gian được phép học tối đa.
Thanh tra Bộ GD-ĐT yêu cầu, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trường ĐH Y Dược TPHCM phải kiểm điểm trách nhiệm và tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra thiếu sót, sai phạm nêu trên theo thẩm quyền. Báo cáo kết quả kiểm điểm, xử lý sai phạm và thực hiện kết luận thanh tra về Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế trước ngày 30-6-2016.
THANH HÙNG