Kiểm định chất lượng giáo dục đại học - cao đẳng: Năm năm một lần là quá lâu?

(SGGPO).- Bộ Giáo dục - Đào tạo đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư ban hành Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

Theo quy định hiện hành, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường đại học, học viện là 5 năm/lần; đối với trường cao đẳng là 4 năm/lần và trường trung cấp chuyên nghiệp là 3 năm/lần.

Thay vì chia theo từng loại hình trường như trên, dự thảo quy định việc kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường được thực hiện chung theo chu kỳ 5 năm/lần.

Dự thảo cũng nêu rõ: Quy trình kiểm định chất lượng giáo dục gồm 4 bước: Cơ sở giáo dục tiến hành tự đánh giá; Cơ sở giáo dục đăng ký đánh giá với một tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập và đề nghị xem xét công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập tiến hành đánh giá; Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập thẩm định, công nhận hoặc không công nhận cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Cơ sở giáo dục không được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục nếu có dưới 80% số tiêu chí đạt yêu cầu. Cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục ở cấp độ 1 nếu có từ 80% đến dưới 95% số tiêu chí đạt yêu cầu. Trường hợp có từ 95% trở lên số tiêu chí đạt yêu cầu thì được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục ở cấp độ 2.

Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 1 có giá trị 3 năm kể từ ngày cấp; Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận về Luật Giáo dục Đại học vừa qua tại Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường đại học, học viện chỉ nên từ 2-3 năm, như vậy mới kịp thời bảo đảm chấn chỉnh các yếu kém trong hoạt động đào tạo của trường. Nếu 5 năm mới kiểm định một lần thì ít nhất có một khóa sinh viên tốt nghiệp nhưng không bảo đảm chất lượng nếu hoạt động đào tạo của trường yếu kém.

Ngoài ra, ngành Giáo dục - Đào tạo cần nhanh chóng thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng, vì với tốc dộ kiểm định như hiện nay, phải mất 10 năm mới kiểm định xong 400 trường đại học - cao đẳng hiện có.

Kiểm tra các trường đại học, cao đẳng thành lập trong giai đoạn 1998 -2010

Ngày 17-11, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra thông báo sẽ tiến hành kiểm tra các trường đại học, cao đẳng được thành lập trong thời gian từ năm 1998 đến năm 2010.
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, thực hiện Nghị quyết số 50/2010/QH12 của Quốc hội khóa XII về việc thực hiện quy định về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, Bộ sẽ kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường của các trường đại học - cao đẳng được thành lập trong thời gian này.

Để chuẩn bị cho việc kiểm tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường chuẩn bị báo cáo về tình hình thực hiện cam kết thành lập trường gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Giáo dục Đại học) trước ngày 30-12. Riêng đối với các trường được kiểm tra trong năm 2011 sẽ phải hoàn thành báo cáo trước ngày 25-11. Thời gian kiểm tra và thành phần Đoàn kiểm tra đối với từng trường sẽ được thông báo cụ thể sau.

Theo tinh thần Nghị quyết số 50/2010/QH12 của Quốc hội khóa XII thì “không tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với cơ sở giáo dục đại học nếu các điều kiện bảo đảm chất lượng của trường không tốt hơn năm trước; giảm chỉ tiêu tuyển sinh đối với những trường đã được thành lập trước năm 2010 mà chưa xây dựng cơ sở riêng tại địa điểm theo hồ sơ đăng ký thành lập và sau 3 năm (kể từ năm 2010) nếu các trường này vẫn không xây dựng được cơ sở tại địa điểm đăng ký, thì đình chỉ hoạt động đào tạo và xem xét giải thể đối với nhà trường”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, năm 2011 Bộ đã tiến hành kiểm tra tại các Trường Đại học Văn Hiến, Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Trường Đại học Dân lập Đông Đô. Kết quả cho thấy việc thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường chưa đúng với cam kết. Hiện có trường chỉ có 50 giáo viên với hàng chục ngành đào tạo, có bộ môn chỉ có 1 - 3 giáo viên cơ hữu, có trường diện tích chỉ có 0,9m²/sinh viên và toàn cơ sở phải đi thuê.

Nghị quyết 50 của Quốc hội khóa XII đã chỉ rõ danh sách những trường thành lập trong vòng 10 năm trở lại đây chưa bảo đảm điều kiện đào tạo như khi cam kết thành lập. Trong năm học 2010 - 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới tiến hành rà soát được một số ít trường vì còn dành thời gian chấn chỉnh các trường yếu kém. Năm học 2011-2012 này, Bộ sẽ tiến hành thanh tra tất cả các trường thành lập từ 10 năm trở lại đây, sai phạm đến đâu xử lý tới đó.

Năm 2011, Bộ đã buộc ngừng tuyển sinh đối với 2 trường đại học, ngừng đào tạo 111 ngành đào tạo đại học, cao học.

Trường Trung cấp chuyên nghiệp đào tạo ngoài địa điểm được cấp phép sẽ bị đình chỉ tuyển sinh

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành quy định về điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ Trung cấp chuyên nghiệp.

Cơ sở đào tạo bị đình chỉ tuyển sinh nếu không đảm bảo một trong các điều kiện cho phép mở ngành đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp; tổ chức đào tạo ngoài địa điểm được phép đào tạo; không thực hiện theo đúng quy trình mở ngành; người cho phép mở ngành không đúng thẩm quyền; vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Cơ sở đào tạo bị thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trong những trường hợp: Có hành vi, bằng chứng gian lận trong kê khai các điều kiện đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý hoặc sao chép toàn bộ chương trình đào tạo của một cơ sở đào tạo khác; vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý, tổ chức, đào tạo tại cơ sở đào tạo; hết thời hạn đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến đình chỉ tuyển sinh; vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải thu hồi; Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Để được mở ngành đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở đào tạo cần đảm bảo các điều kiện: Có đủ tư cách pháp nhân và đảm bảo các quy định hiện hành về đào tạo trung cấp chuyên nghiệp; ngành đào tạo đăng ký mở phải phù hợp với yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ, quy hoạch và chiến lược phát triển của nhà trường, quy hoạch phát triển nhân lực của địa phương và của ngành. Đảm bảo không có sự chồng chéo ngành đào tạo giữa các trường trên cùng một địa bàn; có đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình đào tạo, trong đó, đội ngũ giáo viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo tương ứng với mỗi khối kiến thức, kỹ năng của ngành đăng ký mở, trong đó ít nhất 3 giáo viên có trình độ đại học trở lên đúng ngành với ngành đăng ký mở…

LÂM NGUYÊN 

Tin cùng chuyên mục