Kiểm soát các sinh vật ngoại lai

Sinh vật ngoại lai có loài chưa gây hại hoặc vô hại, nhưng cũng có loài rất nguy hại cho sinh vật bản địa, như ốc bươu vàng, các loài cá kiểng dữ, hay cây mai dương. Do vậy, cần phải cảnh giác, kiểm soát sự di nhập và phát triển của sinh vật ngoại lai.
 Cây mai dương là sinh vật ngoại lai, dễ phát tán, phát triển thành bụi rậm, không có loại cây cỏ nào có thể mọc chen vào, rất khó tiêu diệt
Cây mai dương là sinh vật ngoại lai, dễ phát tán, phát triển thành bụi rậm, không có loại cây cỏ nào có thể mọc chen vào, rất khó tiêu diệt
Tác hại khó lường

Sinh vật ngoại lai được di nhập vào nước ta bằng nhiều con đường để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, như làm sinh vật cảnh, hoa cảnh, hay nhằm mục đích kinh tế (như nuôi con dúi, ốc bươu vàng, rùa tai đỏ…). Cũng có loài không ai nhập nhưng tự theo con đường nước, gió cuốn vào nước ta (như cây mai dương).

Các loài thực vật ngoại lai thường có sức sống mạnh, phát tán rộng, phát triển nhanh và luôn cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng, lấn át cây trồng, thực vật bản địa có ích khiến không tăng trưởng được. Các loài chim, cá, động vật ngoại lai cũng thường có sức sống mạnh, phát triển nhanh, cạnh tranh săn bắt mồi, lấn át các loài bản địa có ích, hoặc mang vào truyền cho các sinh vật nước ta nhiều dịch bệnh nguy hiểm (như các loại bệnh cúm mới trên gia súc, gia cầm). 

Ốc bươu vàng đã thoát ra môi trường, lấn át khiến ốc lác ngon bản địa nhiều nơi không còn. Cây mai dương theo dòng nước lẩn vào cát san lấp, phát triển thành bụi rậm, không có loại cây cỏ nào có thể mọc chen vào. Cây mai dương cực kỳ khó tiêu diệt, lông, gai lại có độc gây ngứa, đau nhức, nên ai cũng ngại diệt, mà hạt phát tán lây lan rất nhanh sang vùng bên cạnh. 

Mấy năm trước đây, sinh vật ngoại lai xuất hiện ở nước ta còn có cá tỳ bà (thường gọi là cá lau kiếng, là dòng cá ngoại lai có nguồn gốc từ Nam Mỹ). Đặc biệt là rùa tai đỏ, được nhập vào nước ta, rồi theo con đường phóng sanh chúng thoát ra môi trường, sinh sản và phát triển nhanh, đến mức các nhà môi trường, nhà quản lý phải lên tiếng cảnh báo, Nhà nước phải tốn không ít ngân sách và huy động công sức để thu gom tiêu hủy. 

Hồi cuối năm 2016, ở Đồng Tháp lại xuất hiện tôm hùm đỏ (người dân gọi là loại tôm 10 càng, có 2 càng lớn và rất ăn tạp, có hại cho cây lúa) do người Trung Quốc thuê đất ruộng nông dân thả nuôi trên 4ha nhưng không chăm sóc, chưa rõ mục đích. Sau khi phát hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã tiêu hủy toàn bộ. Nhưng điều rất đáng lo là có người phát hiện vài cá thể xổng ra môi trường vùng lân cận ruộng nuôi, mà chưa thể xác định đã sổng ra là bao nhiêu, và không ai biết loại sinh vật ngoại lai này chỉ mới nuôi ở Đồng Tháp hay còn nuôi ở vùng nào nữa không. 

Hiện nay, ở nước ta có nhiều người đang nuôi một vài loài cá cảnh ngoại lai hung dữ, tuy có ngoại hình đẹp và khá đắt giá nhưng lại là các loài cá dữ. Nếu chẳng may chúng sổng ra môi trường sẽ rất nguy hại cho các loài tôm cá bản địa có giá trị khác. Gần đây, một nông dân ở tỉnh Tiền Giang đã bắt được con cá hải tượng (có nguồn gốc từ vùng sông Amazon, Nam Mỹ) là loài cá dữ. 

Cần kiểm soát chặt

Ốc bươu vàng thì người dân đã biết cách phòng tránh giảm tác hại và khai thác được mặt tích cực từ thịt ốc vào việc làm thực phẩm, nuôi vịt, nuôi cá, song vẫn còn đáng ngại cho sản xuất trồng lúa. Cây mai dương đã xuất hiện từ lâu ở nhiều nơi, là đối tượng đáng quan tâm cần diệt ngay, phải “đốt tận gốc, trốc cả rễ” không để phát triển thành đám lớn, rồi thành cụm rừng và phát tán hạt đi khắp nơi, sẽ rất khó diệt. Các loại cá dữ nuôi làm cảnh (như cá hải tượng, cá lau kiếng, cá măt quỷ, cá hỏa tiễn…) phải tiếp tục truy bắt ngoài tự nhiên, không để chúng tiếp tục tự do sinh sản phát triển bầy đàn. Hiện nay, trên nhiều vùng sông nước, sự phát triển quá nhanh của loài cá lau kiếng đã trở thành mối đe dọa lớn, bởi chúng không những làm xáo trộn môi trường sinh thái mà còn ảnh hưởng xấu đến việc nuôi trồng, đánh bắt các loài thủy sản ngon.

Đất nước ta càng phát triển, nhân dân càng giàu lên, nhu cầu hưởng thụ vật chất và tinh thần cũng sẽ càng lớn, thì sự giao lưu trao đổi, di nhập động thực vật ngoại lai để thỏa mãn các nhu cầu đó càng lớn theo, nhất là trong lĩnh vực sinh vật cảnh. Các nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực này càng phải nâng cao nhận thức, để nhận biết các giống loài động thực vật ngoại lai gây hại cho các giống loài hữu ích bản địa, cùng phối hợp với các ngành chức năng liên quan đề cao cảnh giác, ngăn chặn kịp thời, không để động vật và thực vật ngoại lai phát tán, lây lan ra môi trường.

Tin cùng chuyên mục