Tại kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 12 vừa qua, một trong những vấn đề được các vị đại biểu quan tâm và “xới” lên nhiều nhất là cảnh báo về tình trạng mất an toàn ở các nhóm giữ trẻ tự phát. Sau hàng loạt vụ trẻ bị bạo hành và tử vong tại các nhóm trẻ tư nhân ở quận 8 và Thủ Đức, vấn đề kiểm tra và quản lý chất lượng của hình thức giữ trẻ tự phát trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.
Một đại biểu HĐND bày tỏ: “Khi nào thành phố chưa dẹp hết nhà trẻ tự phát sẽ còn nhiều sự việc đáng tiếc, đau lòng như thế xảy ra”. Tuy nhiên, làm thế nào dẹp các nhóm trẻ tự phát mà vẫn đáp ứng được nhu cầu gởi con của người dân là bài toán không hề đơn giản. Đơn cử như ở quận Tân Phú - địa bàn có số lượng lớn dân nhập cư, hiện chỉ có 11 trường mầm non công lập, trong khi có đến 30.000 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo. Từ năm 2010 đến nay, quận đã tăng thêm 31 nhóm trẻ tư thục, nâng tổng số nhóm trẻ tư thục hiện nay lên 121 nhóm, song vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu gởi con của người dân. Đặc biệt với một bộ phận công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường công gần như ngoảnh mặt do trẻ không có hộ khẩu thành phố, học phí trường tư thục lại quá cao khiến nhóm trẻ tự phát với mức học phí rẻ, thời gian trông giữ trẻ linh hoạt trở thành “cứu cánh” duy nhất.
Trước thực tế này, phát biểu tại nghị trường, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn cho biết, tính từ tháng 9-2013 đến nay, 100% các trường mầm non và nhóm trẻ gia đình trên địa bàn thành phố đã được kiểm tra. Tuy nhiên, để không xảy ra những sự việc đáng tiếc như vừa qua, từ nay đến giữa tháng 1-2014, sở sẽ tái kiểm tra các cơ sở. Những nhóm lớp, nhà trẻ có dấu hiệu vi phạm nếu không khắc phục sẽ bị yêu cầu ngưng hoạt động. Đồng thời, ông cũng kiến nghị các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố dành tối thiểu 5.000m² quỹ đất xây dựng trường mầm non cho con công nhân. Hiện nay, mới chỉ có trường mầm non ở Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) đang trong giai đoạn chuẩn bị đưa vào sử dụng. Các dự án còn lại đều đang nằm trên giấy, khiến dịch vụ giữ trẻ tự phát vẫn ăn nên làm ra.
Nói như phát biểu của lãnh đạo một phòng GD-ĐT, chừng nào giải được bài toán tìm chỗ gởi con cho người dân thì nhóm trẻ tự phát mới hết đất sống. Ngược lại, sẽ rất khó loại bỏ loại hình dịch vụ này một khi nhu cầu của người dân là có thật. Bên cạnh đó, quy định hiện nay của ngành giáo dục chỉ yêu cầu người mở lớp giữ trẻ có trình độ tốt nghiệp THCS, khiến chất lượng chuyên môn rất đáng lo ngại. Đó là chưa kể khó khăn trong công tác kiểm tra, quản lý. Với điều kiện nhân lực mỏng, kiểm tra nhóm trẻ có phép đã khó, nếu lo cả nhà trẻ không phép các địa phương thì làm không xuể, bởi tốc độ gia tăng của loại hình này hiện nay quá nhanh, địa điểm và phương thức tổ chức có nhiều biến tướng phức tạp.
Qua đó cho thấy, mặc dù TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý nhóm trẻ tự phát, song thực tế vẫn “tối” nhiều hơn “sáng”. Trong đó, trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về ngành giáo dục mà cần có sự phối hợp, chung tay của nhiều cơ quan, đoàn thể tại địa phương, trong đó vấn đề cải thiện ý thức của người dân hết sức quan trọng.
THANH THU