Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa dịp tết

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố kiểm soát chặt giá cả hàng hóa phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là với hàng hóa thiết yếu.  

Kiểm tra giá và chất lượng hàng hóa 

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị 44/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với địa phương chủ động có phương án chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm chất lượng sản phẩm để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán 2021.

Bộ Công thương và các địa phương phải đồng bộ triển khai 5 giải pháp. Cụ thể, triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa phù hợp, hiệu quả. Các đơn vị cũng chủ động có phương án chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm chất lượng sản phẩm để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trường hợp dịch bệnh bùng phát. Riêng với các địa phương, cần phối hợp triển khai các chương trình bình ổn thị trường, các hoạt động kết nối cung cầu, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.

Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa dịp tết ảnh 1 Người tiêu dùng mua hàng tại hệ thống bán lẻ uy tín Co.opmart

Đặc biệt, chú trọng đến hoạt động đưa hàng hóa nông thôn ra thành phố nhằm hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân. Đồng thời, các cơ quan liên quan phải đảm bảo cung ứng sớm, đầy đủ hàng hóa bình ổn thị trường cho các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiệt hại do bão lũ, sụt lở thời gian qua. Tăng cường các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ở lĩnh vực xăng dầu, điện được xác định sẽ tăng mạnh nhu cầu sử dụng vào cuối năm nên các đơn vị phải có phương án bảo đảm trữ đủ nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Việc cung ứng điện thường xuyên, liên tục và an toàn, không để thiếu điện trong mọi tình huống kết hợp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Một mặt, kiên quyết xử lý mạnh tay với nạn hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm, hàng hóa gian lận xuất xứ nguồn gốc, nhất là với các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong năm mới 2021 và Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu qua biên giới đối với các mặt hàng thiết yếu, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, kiểm soát chặt hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm. Kiên quyết ngăn chặn nếu không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm và bảo đảm yêu cầu kiểm soát dịch bệnh.

Cuối cùng là phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin đầy đủ, kịp thời chính sách quản lý, điều hành của Nhà nước và bình ổn thị trường, kiểm soát thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường. Các cơ quan chức năng phải công khai kết quả kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm của lực lượng quản lý thị trường trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần nâng cao ý thức của người dân để phòng tránh, tố giác các hành vi kinh doanh trái pháp luật.

Chủ động nguồn cung ứng 

Liên quan đến vấn đề này, về phía Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cho biết, dự kiến sức mua hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán có tăng nhưng sẽ không bằng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, hội đã làm việc với các doanh nghiệp thành viên chuẩn bị nguồn cung dồi dào cho thị trường.

Bên cạnh đó, hội cũng bắt tay với các hệ thống bán lẻ như Aeonmall, Co.opmart, Satra… triển khai nhiều chương trình giảm giá sản phẩm để kích cầu tiêu dùng. Mặt khác, hỗ trợ chia sẻ khó khăn với người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập, chất lượng cuộc sống của một bộ phận người dân. 

Ở góc độ khác, về phía Bộ Công thương cũng khuyến cáo, dịp Tết Nguyên đán cũng là thời điểm sức mua tăng mạnh. Do đó, có nhiều đối tượng lợi dụng tình hình trà trộn bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường.

Do vậy, để đảm bảo an toàn sức khỏe, người dân cần ưu tiên mua hàng hóa tại những địa điểm bán hàng uy tín, hệ thống bán lẻ có thương hiệu trên thị trường và thường xuyên có quy trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa chặt chẽ. Tránh tình trạng mua hàng trôi nổi trên thị trường vừa tạo điều kiện để hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng có dư địa tồn tại, vừa gây ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình và gia đình.

Tin cùng chuyên mục