Kiểm soát chặt việc đầu tư thi công cao tốc Bắc - Nam

Việc Bộ GTVT hủy đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc - Nam sẽ đem đến cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước. Vấn đề đặt ra là không cho lọt những nhà đầu tư yếu kém gây tai tiếng; đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án và chất lượng công trình.

Có nhiều nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, không có vốn tối thiểu, không bỏ vốn tự có mà sử dụng vốn vay làm dự án đưa vào hợp đồng BOT. Dự án sử dụng vốn vay tư nhân, ngân hàng thương mại, nhà đầu tư vẫn được thanh toán chi phí có liên quan. Xét về bản chất là Nhà nước đi vay tiền, nếu vay từ ngân hàng nhà nước thì về cơ bản đã dùng tiền nhà nước để làm dự án, Nhà nước cũng phải bỏ vốn để đầu tư, không giảm gánh nặng ngân sách, còn phải chịu chi phí để nhà đầu tư có lợi nhuận. 

Nhiều nhà thầu thi công chỉ quan tâm sao cho công trình sớm hoàn thành để thanh quyết toán chi phí, miễn sao không hư hỏng trong thời gian bảo hành (thường là 1 - 2 năm kể từ ngày nghiệm thu đưa vào sử dụng). Khi đã hết thời gian bảo hành, nhà thầu hết trách nhiệm, lại tốn kém ngân sách để sửa chữa khắc phục.

Để được trúng thầu, nhà đầu tư nào cũng đều xây dựng hồ sơ dự thầu đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về kỹ thuật, kinh nghiệm, khả năng tài chính, tiến độ thi công và đưa ra mức giá rất thấp để dễ có khả năng trúng thầu, rồi sau đó điều chỉnh đội vốn. Đây có thể gọi là thủ thuật phá giá nhằm được trúng thầu, để lại hậu quả khôn lường, công trình kém chất lượng. Một khi trúng thầu vì giá quá thấp, nhà thầu sẽ tìm cách để có lợi nhuận, như viện dẫn các trở ngại, thay đổi biện pháp thi công phát sinh khối lượng; làm ẩu, bớt đi khối lượng dự toán, cắt xén vật tư; sử dụng lao động giá rẻ, thuê nhân công có tay nghề dưới mức yêu cầu... Nói cách khác là gian dối trong thi công, hạ thấp chất lượng công trình. 

Do vậy, cần kiểm soát chặt việc đầu tư thi công cao tốc Bắc - Nam, không cho lọt nhà đầu tư yếu kém. Bất kể nhà đầu tư nào trúng thầu vẫn phải giám sát chặt việc tuân thủ quy định, đảm bảo chất lượng công trình. Nên đổi mới cách quản lý, tổ chức thực hiện. Bộ GTVT cần thuê riêng tư vấn giám sát là đơn vị chuyên nghiệp có uy tín, có kinh nghiệm làm cao tốc - có thể sử dụng tư vấn nước ngoài. Nhà đầu tư trúng thầu phải có văn bản phân công nhiệm vụ rõ ràng từng khâu, người chịu trách nhiệm từng hạng mục công việc liên quan thiết kế, giám sát, thi công. Khi xảy ra bất cập, chậm trễ, đội vốn, công trình mới làm xong hư hỏng liền, thì phải có người chịu trách nhiệm. Bảo hành công trình không chỉ 1 - 2 năm, mà phải tương ứng từng dự án. Do đường cao tốc đòi hỏi khá cao về tiêu chuẩn kỹ thuật và thi công, nên kéo dài thời gian trách nhiệm của nhà thầu.

Dự toán gói thầu cần lập trên cơ sở định mức và đơn giá xây dựng phù hợp với thực tế, bám sát thiết kế kỹ thuật, xem xét toàn diện sao cho khi thi công không phát sinh. Hợp đồng BOT nên chặt chẽ từ chủ trương đến phương án hoàn vốn, cụ thể hóa trách nhiệm các bên. Ngoài yêu cầu khả năng tài chính, ưu tiên vốn tự có nhiều hơn, giải pháp kỹ thuật và chất lượng công trình đặt lên hàng đầu, ràng buộc tiêu chí ngặt nghèo nếu điều chỉnh tăng vốn. Như vậy, những nhà đầu tư có các phương thức quản lý tốt, giải pháp thi công tối ưu và có sẵn thiết bị, công nghệ, công nhân kỹ thuật, đội ngũ nhân sự giỏi sẽ có lợi thế.

Tin cùng chuyên mục