Kiểm soát giao dịch bất động sản để chống rửa tiền

Sáng 7-9, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, thảo luận về 6 dự án Luật, 1 dự thảo Nghị quyết dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Tham dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 7 và 8-9.

Kiểm soát giao dịch bất động sản để chống rửa tiền ảnh 1 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là diễn đàn thể hiện rõ nhất quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, kỳ họp thường kỳ thứ 4 sắp tới của Quốc hội có nhiều nhiệm vụ lập pháp quan trọng. Các dự án, dự thảo dự kiến trình Quốc hội thông qua đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan chỉ đạo tổ chức thảo luận, lấy ý kiến qua nhiều vòng, tại nhiều hội nghị, hội thảo, tham vấn.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức hội nghị này để các vị đại biểu cho ý kiến vào từng dự án luật và dự thảo nghị quyết. Qua đó góp phần vào việc xem xét thông qua của Quốc hội đạt tỷ lệ tán thành, đồng thuận cao, đảm bảo chất lượng tốt nhất, đồng thời có thể rút ngắn thời gian của kỳ họp”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đa số ĐBQH tán thành với việc ban hành luật nhằm góp phần tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống rửa tiền, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong thời gian tới. Một trong những điểm quan trọng nhận được nhiều ý kiến thảo luận là quy định về báo cáo giao dịch đáng ngờ.

ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) cho rằng, dự thảo luật đưa ra các quy định giúp kiểm soát dòng tiền ra - vào, phòng ngừa hành vi rửa tiền và cơ bản kiểm soát dòng tiền giao dịch qua hệ thống ngân hàng nhưng thực tế vẫn tồn tại giao dịch bằng tiền mặt, nhất là trong lĩnh vực bất động sản.

Quy định tại Điều 33 dự thảo luật còn đơn giản, khó xác định được hành vi này có rửa tiền hay không. ĐB nghị cần nêu rõ trách nhiệm của cơ quan thuế trong các giao dịch dạng này thông qua việc kiểm soát giao dịch bất động sản có ghi nhận, phát sinh thuế để xác định giao dịch đáng ngờ, từ đó xác định có hành vi rửa tiền hay không.

Kiểm soát giao dịch bất động sản để chống rửa tiền ảnh 2 Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Đối với vấn đề lợi dụng tiền ảo để rửa tiền tài trợ khủng bố, ĐB Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho rằng, hiện Nhà nước chưa công nhận tiền ảo, tuy nhiên Việt Nam là một trong những thị trường tiền ảo rất lớn. Thời gian gần đây liên tiếp có những đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo. Do đó, việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo luật là hết sức cần thiết.

Thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), ĐB Phạm Đình Thanh (Kon Tum), ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) và một số ý kiến tán thành quy định giữ nguyên hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính là phù hợp, nhất là quyết định giữ nguyên thanh tra huyện.

Về tổ chức thanh tra cấp sở, các ĐB cho rằng, cần có quy định thống nhất, đồng bộ trong việc thành lập thanh tra cấp sở trên phạm vi cả nước, tránh tình trạng thực hiện không thống nhất, đồng bộ, hoặc thành lập theo áp lực biên chế, không phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn của từng địa phương.

ĐB Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho rằng, luật cần thiết kế các biện pháp để bảo đảm vị thế chính trị, tính độc lập gắn với tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ quan thanh tra nhà nước. Điều này nhằm tương xứng với chức trách, nhiệm vụ được giao và nhất là bảo đảm thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cũng bày tỏ băn khoăn khi dự thảo bỏ quy định thời hạn công khai kết luận thanh tra. Luật hiện hành quy định sau khi ký kết luận thanh tra trong 10 ngày phải công khai kết luận thanh tra. Tuy nhiên, dự thảo luật sửa đổi bỏ quy định về thời hạn công khai, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan.

Tin cùng chuyên mục