Kiểm soát hay kiềm chế?

Lãi suất thấp và tiền mặt dồi dào ở các nước phát triển đã khiến dòng vốn chảy vào thị trường các nước đang phát triển đặc biệt tăng mạnh. Điều này khiến nhiều nước thực hiện các biện pháp kiểm soát vốn nhằm giảm thiểu áp lực tăng giá đồng nội tệ và tránh những tác hại của dòng tiền nóng.

Đây là nhận định của Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí Economist, Anh. EIU cho rằng trong những tháng gần đây, nhiều nước đang phát triển tìm cách hạn chế dòng vốn đầu cơ “ồ ạt” tràn vào các thị trường này thông qua việc sử dụng các biện pháp kiểm soát vốn.

Mối lo ngại lớn đối với các thị trường đang nổi hiện nay là việc dòng vốn vào đang đẩy đồng tiền nội địa lên, đặc biệt là đối với các nước thả nổi tỷ giá hối đoái, đe dọa đến khả năng cạnh tranh của các nước này.

Hồi cuối tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Indonesia và Hàn Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp này. Các nước khác như Malaysia và Sri Lanka cũng lên tiếng về việc sử dụng các biện pháp kiểm soát vốn. Trước đó nhiều nước như Brazil, Indonesia, Thái Lan đã đưa ra các biện pháp kiềm chế.

Sự thay đổi này còn được nhấn mạnh khi mà cả các tổ chức quốc tế đa phương như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), những cơ quan vốn phản đối việc kiểm soát vốn, bây giờ cũng ủng hộ việc sử dụng các biện pháp này trong một số trường hợp. Song, IMF cho rằng chỉ nên tính toán đến việc sử dụng các biện pháp kiểm soát vốn khi nền kinh tế đang hoạt động gần mức tiềm năng, tỷ giá hối đoái không bị hạ thấp và nếu dòng vốn đó nhiều khả năng chỉ là tạm thời. Đồng thời nên xem xét ưu tiên thực hiện các chính sách như xây dựng dự trữ ngoại tệ thích hợp, các biện pháp nhằm giữ đà tăng giá bất động sản trong tầm kiểm soát và chính sách tài chính chặt chẽ hơn.

Tuy vậy, đa số các nước vẫn còn hạn chế về khả năng ngăn chặn không cho các dòng vốn đó gây ra tình trạng lạm phát tăng cao. Việc kiểm soát vốn muốn mang lại hiệu quả cao hơn cần kết hợp cả việc kiểm soát dòng vốn vào với việc kiểm soát dòng vốn ra. Trong ngắn hạn, việc kiểm soát vốn không thể ngăn chặn hiệu quả dòng vốn đầu cơ vào các nước đang phát triển sẽ tạo tiền đề cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Có ý kiến cho rằng, nếu việc kiểm soát vốn ngày càng được chấp nhận là một công cụ chính sách, đặc biệt là khi có những bằng chứng rằng một số chính sách này có hiệu quả, thì số nước chấp nhận sử dụng các biện pháp này nhằm ngăn chặn dòng vốn vào sẽ tăng lên. Điều này sẽ làm cho quá trình cân bằng lại toàn cầu trở nên phức tạp hơn. Các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo dù áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn như thế nào cũng phải trả một giá nhất định mà lớn nhất là làm chậm lại các cơ hội thu hút vốn đầu tư khi mà các quốc gia ngày càng cạnh tranh quyết liệt để thu hút dòng vốn toàn cầu. Đồng thời, kiểm soát vốn sẽ có những tác động nhất định như làm chi phí giao dịch tăng cao khiến cho dòng vốn vào chuyển hướng sang các quốc gia khác có chi phí giao dịch vốn thấp hơn.

Việt Anh

Tin cùng chuyên mục