Kiểm soát nội dung hợp đồng bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi cho bên mua

Dự thảo Luật cần bổ sung các quy định liên quan đến kiểm soát nội dung hợp đồng bảo hiểm, với tư cách một hợp đồng gia nhập, nhằm tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước, góp phần bảo vệ quyền lợi của cá nhân, đơn vị mua bảo hiểm. 
Phiên họp được tổ chức trực tuyến tại Nhà Quốc hội
Phiên họp được tổ chức trực tuyến tại Nhà Quốc hội

Ngày 9-9, Hội thảo "Góp ý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)" được Viện Nghiên cứu lập pháp và Ủy ban Kinh tế phối hợp tổ chức tại Nhà Quốc hội. Dự án Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 tới.

Các ý kiến tại hội thảo bày tỏ quan tâm đến các quy định về hợp đồng bảo hiểm, coi đây như trung tâm của hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Hiện nay, do hợp đồng bảo hiểm có tính chất là một hợp đồng gia nhập nên doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm là bên đưa các điều khoản mẫu, người mua không được đàm phán, thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung điều khoản tại hợp đồng này.

Tuy nhiên, nhóm dịch vụ bảo hiểm nhân thọ hiện không còn thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sự thay đổi này một mặt góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện quyền tự do kinh doanh; mặt khác, trong quá trình thực hiện vẫn có thể phát sinh một số hệ lụy làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên mua bảo hiểm.

Do vậy, dự thảo Luật cần bổ sung các quy định liên quan đến kiểm soát nội dung hợp đồng bảo hiểm, với tư cách một hợp đồng gia nhập, nhằm tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước, góp phần bảo vệ quyền lợi của cá nhân, đơn vị mua bảo hiểm (cụ thể là cần bổ sung quy định tại Điều 14 về nội dung của hợp đồng bảo hiểm và tại Điều 17 về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm).

Luật Kinh doanh bảo hiểm được thông qua năm 2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2001, sau đó được tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2010 và năm 2019 để đáp ứng các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Sau 20 năm thi hành, Luật hiện hành đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện.

Tin cùng chuyên mục