Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 52.095 tỷ đồng

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 52.095 tỷ đồng (tăng thu ngân sách nhà nước 6.676 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 6.103 tỷ đồng và kiến nghị khác 39.316 tỷ đồng)...
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh

Tiếp tục phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 14-9, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh đã trình bày báo cáo về hoạt động của Kiểm toán năm 2021 và kế hoạch công tác năm 2022.

Theo báo cáo, năm 2021, hoạt động kiểm toán tiếp tục có những đổi mới từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán năm đến nội dung, phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán nên hiệu lực, hiệu quả, chất lượng kiểm toán được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương quản lý tài chính công, tài sản công, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Mặc dù nhiều cuộc kiểm toán quan trọng, có quy mô ngân sách lớn, tác động lớn đến tình hình kinh tế xã hội chưa triển khai hoặc dừng hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (kiểm toán ngân sách TPHCM, Hà Nội, tỉnh Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu...) song kết quả kiểm toán 8 tháng đầu năm cũng đã đạt được một số kết quả nhất định.

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đến 31-8-2021 đối với 91 BCKT đã phát hành, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 52.095 tỷ đồng (tăng thu NSNN 6.676 tỷ đồng, giảm chi NSNN 6.103 tỷ đồng và kiến nghị khác 39.316 tỷ đồng); kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 67 văn bản pháp luật không phù hợp (gồm 1 luật, 04 nghị định, 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 10 Thông tư và 49 văn bản khác), kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực; kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm đối với từng sai phạm.

Cơ quan Kiểm toán cũng đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán, đã cung cấp 151 bộ tài liệu cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, điều tra, giám sát; kịp thời cung cấp thông tin phục vụ các phiên họp của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng có liên quan.

Cụ thể, với hoạt động kiểm toán chuyên đề “Việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020” Một số địa phương (tỉnh Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng còn chưa bố trí quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội theo quy định.

TPHCM chấp thuận đầu tư dự án phát triển nhà ở bao gồm loại hình văn phòng có nhân viên lưu trú (officetel) chưa đủ căn cứ pháp lý; không bố trí diện tích đất dành cho nhà ở xã hội theo quy định; một số giấy phép xây dựng được cấp chưa đáp ứng điều kiện cấp phép, cấp phép có tầng hầm, hoặc có số lượng tầng hầm chưa phù hợp quy hoạch được phê duyệt, cấp phép mật độ xây dựng lớn hơn mật độ xây dựng tối đa theo quy hoạch được duyệt; có dự án đã có quyết định giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm xác định tiền sử dụng đất; có dự án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng làm phát sinh nghĩa vụ tài chính nhưng chưa xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung.

Tỉnh Khánh Hòa phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết và điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 trên phần diện tích đất chưa có trong quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; phê duyệt quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch xây dựng đối với các khu đất kinh doanh, dịch vụ thành đất ở không hình thành đơn vị ở chưa đúng quy định Luật Đất đai; đồng ý chủ trương giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án không đúng quy hoạch sử dụng đất, không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định Luật Đất đai; thậm chí có trường hợp phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 để hợp thức hóa việc thi công sai quy hoạch và giấy phép đã được phê duyệt trước đó.

Liên quan đến việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, Bộ Tài nguyên - Môi trường và các địa phương thuộc lưu vực sông Mê Công chưa thực hiện đầy đủ Luật Tài nguyên nước 2012; phối hợp chưa chặt chẽ với các bộ ngành  và các địa phương thuộc lưu vực sông Mê Công trong triển khai thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, cấp phép khai thác khoáng sản lòng sông chưa đảm bảo quy định; hệ thống giám sát tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước chưa hoạt động hiệu quả, chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn các sai phạm có thể dẫn đến nguy cơ, rủi ro, tác động tiêu cực tới môi trường, nguồn nước và sức khỏe con người.

Bộ Công Thương và 3 tỉnh thực hiện lập, ban hành quy hoạch và quản lý, vận hành các dự án thủy điện trên lưu vực sông Mê Công chưa chặt chẽ  gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường, đời sống người dân vùng hạ du và ảnh hưởng đến việc vận hành của các thủy điện khác.

Đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có 37 đoàn kiểm toán đang thực hiện kiểm toán phải tạm dừng thực hiện, 07 đoàn kiểm toán đã có kế hoạch kiểm toán nhưng hoãn triển khai, 07 đoàn kiểm toán đề xuất không thực hiện trong năm 2021; 25 đoàn kiểm toán điều chỉnh giảm thời gian kiểm toán so với phương án được duyệt; 38 đoàn kiểm toán có điều chỉnh đầu mối so với phương án được duyệt.

Tin cùng chuyên mục