Kiểm tra, giám sát góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập ngành kiểm tra Đảng (16-10-1948 ­- 16-10-2022), phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với đồng chí Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy TPHCM, về những kết quả, giải pháp trọng tâm trong công tác kiểm tra, giám sát.
Đồng chí Dương Ngọc Hải
Đồng chí Dương Ngọc Hải

Xử lý nhiều vụ việc dư luận quan tâm

Phóng viên: Đồng chí có thể điểm qua những kết quả quan trọng từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay?

Đồng chí DƯƠNG NGỌC HẢI: Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM đến nay, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của Đảng bộ TPHCM có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, tập trung chỉ đạo xem xét, xử lý nhiều vụ việc có nhiều dư luận trong xã hội. 

Trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát đối với các nội dung về thực hiện những chương trình, đề án quan trọng, việc thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước; công tác cán bộ... Cùng với đó là việc tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý nhiều vụ việc dư luận quan tâm như: vụ việc tại Công ty CP Công nghệ Việt Á, vụ việc tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, vụ việc tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận, vụ việc tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận; vụ việc tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM…

Những nhiệm vụ trọng tâm nào trong công tác kiểm tra, giám sát sẽ được thực hiện trong thời gian tới, thưa đồng chí? 

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng cần phải tiếp tục tăng cường trong thời gian tới, với tinh thần không ngừng, không nghỉ, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Trong đó, phải chủ động kiểm tra, giám sát những địa bàn, lĩnh vực, vị trí công tác dễ xảy ra vi phạm, tham nhũng, tiêu cực; những tập thể, cá nhân có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh; việc thực hiện những chương trình trọng điểm thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, những vấn đề quan trọng, bức thiết, nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm. 

Phát huy vai trò giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề để kịp thời phát hiện hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm để nhắc nhở, chấn chỉnh. Đặc biệt, UBKT cấp ủy các cấp phải tăng cường hơn nữa việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Trường hợp phát hiện vi phạm phải xem xét, xử lý nghiêm, chính xác, kịp thời và công khai kết quả xử lý. Sau kiểm tra, giám sát, tổ chức các hội nghị giao ban chuyên đề giới thiệu những kinh nghiệm, cách làm có hiệu quả để nhân rộng; chỉ rõ những địa bàn, lĩnh vực thường xảy ra sai phạm để các địa phương, đơn vị phòng ngừa, chấn chỉnh, khắc phục.

Phát huy “tai mắt” của dân

Thành ủy TPHCM vừa ban hành chương trình hành động thực hiện Kết luận 34 của Bộ Chính trị về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030. Đồng chí cho biết công tác kiểm tra, kiểm sát quan tâm vấn đề gì?

Đó là chú trọng việc đổi mới nội dung, cải tiến quy trình kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đồng thời, coi trọng giám sát của HĐND, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội của thành phố và vai trò giám sát của nhân dân; vai trò tự kiểm tra, tự giác, tự phê bình và phê bình của từng cán bộ, đảng viên.

Qua kiểm tra, giám sát còn quan tâm phát hiện, giới thiệu những cán bộ có tinh thần trách nhiệm, có dũng khí đấu tranh với các sai phạm, tiêu cực. Đồng thời phát hiện, bảo vệ những tập thể, cá nhân có tinh thần đột phá, đổi mới, dám nghĩ, dám làm trong thực hiện nhiệm vụ vì mục đích phát triển chung của TPHCM. Từ đó, biểu dương, nhân rộng, góp phần thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo tại TPHCM.

Thời gian qua, Quy định 1374 đã được phát huy như thế nào trong công tác kiểm tra, giám sát?

Quy định 1374 là cách làm sáng tạo của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, vừa cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng; vừa hình thành cơ chế chính quyền và cấp ủy các cấp xử lý cán bộ, công chức và tổ chức có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm pháp luật và chức trách công vụ qua xem xét thông tin từ ý kiến của cử tri, phản ánh của báo chí, giám sát của MTTQ Việt Nam và đơn, thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân.

Quy định 1374 đã trở thành kênh thông tin hữu hiệu để nhân dân phản ánh trực tiếp hành vi thực thi công quyền của cán bộ, công chức, qua đó, đảm bảo mục tiêu phục vụ nhân dân của chính quyền các cấp tốt hơn, hiệu quả hơn.

Cụ thể, qua gần 5 năm thực hiện Quy định 1374, cấp ủy các cấp thuộc Đảng bộ TPHCM đã tiếp nhận 9.820 thông tin phản ánh, đã chỉ đạo xử lý 9.705/9.820 thông tin (tỷ lệ 98,83%). Qua đó, cấp ủy các cấp đã xem xét, xử lý kỷ luật 8 tổ chức Đảng và 378 đảng viên; xử lý về chính quyền đối với 435 trường hợp (khiển trách 203 trường hợp; cảnh cáo 86 trường hợp; cách chức 29 trường hợp; 117 trường hợp kéo dài thời gian nâng bậc lương, giáng cấp, chuyển công tác, buộc thôi việc, sa thải). Đồng thời đã chuyển cơ quan chức năng xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự 9 trường hợp.

Xây dựng cán bộ trong sạch, liêm chính

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ ngành kiểm tra Đảng tại TPHCM được quan tâm như thế nào?

Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM và cấp ủy các cấp nhận thức rằng muốn thực hiện tốt nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát thì điều rất quan trọng là phải quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ ngành kiểm tra Đảng thật trong sạch, liêm chính. 

Do đó, thời gian tới, khi thực hiện chủ trương chung của UBKT Trung ương, UBKT Thành ủy TPHCM sẽ chủ động tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM quan tâm luân chuyển cán bộ kiểm tra về công tác ở các ngành, các cấp. Đồng thời luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Việc này để xây dựng đội ngũ cán bộ ngành kiểm tra Đảng có phẩm chất, đạo đức trong sáng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng.

Cùng với đó là quan tâm lựa chọn, tuyển dụng những cán bộ trẻ, giỏi, có chuyên môn sâu một số lĩnh vực (như quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, tài chính, ngân hàng, nội chính, tư pháp…) để phục vụ nhiệm vụ kiểm tra, giám sát ở các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm. Đồng thời tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho cán bộ ngành để tạo điều kiện cho cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thực tế, cán bộ kiểm tra đối mặt với không ít khó khăn, cám dỗ, giải pháp nào nhằm xây dựng đội ngũ trong sạch, liêm chính?

Cán bộ kiểm tra luôn phải đối mặt với sai phạm, tiêu cực của đồng chí, đồng đội và cả người thân nên phải luôn đấu tranh với chính mình để vững vàng trong thực thi nhiệm vụ.

Trong quản lý cán bộ, việc xử lý, điều động, chuyển vị trí công tác hoặc tinh giản biên chế đối với cán bộ ngành kiểm tra luôn được nghiêm túc thực hiện đối với cán bộ có các biểu hiện: nể nang, ngại đấu tranh, sợ trách nhiệm, thiếu công tâm; không đảm bảo chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp công tác kém hiệu quả; có những hành vi dung túng, bao che khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên.

Tin cùng chuyên mục