Kiểm tra liên ngành về quản lý hạ tầng đô thị tại TP: Định kỳ mỗi tuần 1 ngày

UBND TPHCM vừa ban hành Quy chế phối hợp hoạt động của Tổ Kiểm tra liên ngành xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý công trình hạ tầng đô thị.

UBND TPHCM vừa ban hành Quy chế phối hợp hoạt động của Tổ Kiểm tra liên ngành xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý công trình hạ tầng đô thị.

Theo đó, sẽ hình thành 1 Tổ kiểm tra liên ngành TP có 8 thành viên, gồm: lực lượng của Thanh tra Sở Giao thông vận tải và Thanh tra Sở Xây dựng. Tại mỗi quận, huyện cũng hình thành 1 Tổ kiểm tra liên ngành quận, huyện với 3 thành viên gồm lực lượng của Đội Thanh tra Giao thông phụ trách địa bàn và Thanh tra Xây dựng quận, huyện.

Các Tổ kiểm tra liên ngành sẽ phối hợp kiểm tra những vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân trên lĩnh vực quản lý công trình hạ tầng đô thị (cấp nước, thoát nước, chiếu sáng công cộng, công viên - cây xanh…) theo quy định; chịu trách nhiệm của các chủ thể được giao quản lý nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời công tác duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng đô thị và công trình giao thông đường bộ.

TP quy định rõ việc phối hợp kiểm tra liên ngành TP được thực hiện ít nhất mỗi tuần 1 ngày trên địa bàn phụ trách hoặc kiểm tra bất kỳ theo tin báo vi phạm hành chính của nhân dân, theo phản ảnh của cơ quan thông tin đại chúng, theo thông tin từ các cơ quan chức năng hoặc chỉ đạo của Giám đốc các sở liên quan. Các Tổ kiểm tra liên ngành quận, huyện thực hiện việc kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất trên địa bàn phụ trách của từng quận, huyện. Tổ Kiểm tra liên ngành TP đôn đốc, hỗ trợ các Tổ Kiểm tra liên ngành quận, huyện đồng thời tập trung kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất tại khu vực các quận trung tâm TP, bao gồm các quận: 1, 3, 5, 6, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Bình Thạnh và Gò Vấp.

Trong quá trình thực hiện phối hợp kiểm tra liên ngành, nếu phát hiện vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử lý của lực lượng nào (đã quy định trong Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trên từng lĩnh vực) thì lực lượng đó lập biên bản vi phạm hành chính để tiến hành thụ lý và xử phạt (trong biên bản vẫn phải ghi đầy đủ họ, tên của các thành viên Tổ Kiểm tra liên ngành).

Riêng vi phạm của các tổ chức, cá nhân trên lĩnh vực giao thông đường bộ được quy định hành vi và biện pháp chế tài tại Nghị định số 34/2010/NĐ-CP nhưng có nội dung và biện pháp chế tài tương tự được quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP thì do lực lượng Thanh tra giao thông lập biên bản vi phạm hành chính.

Đối với Tổ kiểm tra liên ngành TP, nếu xét thấy hành vi phạm hành chính vượt thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng hoặc Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải thì đơn vị thụ lý ban đầu lập thủ tục trình UBND TP xử lý.

Đối với Tổ kiểm tra liên ngành quận, huyện, tùy theo vi phạm, nếu xét thấy hành vi vi phạm hành chính vượt thẩm quyền xử phạt thì trong 7 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, đơn vị thụ lý ban đầu lập thủ tục chuyển hồ sơ đến Sở Xây dựng hoặc chuyển đến Sở Giao thông Vận tải để rà soát, tham mưu trình UBND TP ban hành Quyết định xử lý vi phạm. TP yêu cầu quá trình kiểm tra, xử lý của mỗi lực lượng trong liên ngành phải đảm bảo đúng thủ tục, trình tự, thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

VI QUÂN

Tin cùng chuyên mục