Mỗi đêm, lượng rau quả đổ về các chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM lên tới hàng ngàn tấn. Tuy vậy, biện pháp chủ yếu là kiểm tra nhanh (dùng bộ kít thử) định tính, còn định lượng thì đành chịu. Nếu có nghi ngờ thực phẩm bị nhiễm hóa chất, cơ quan chức năng sẽ gửi các mẫu thử tới phòng thí nghiệm chuyên biệt và cho kết quả nhanh nhất cũng từ 4 đến 7 ngày. Như vậy, không loại trừ khả năng rau quả nhiễm độc đã được người tiêu dùng tiêu thụ hết.
Về hàng ngàn tấn, kiểm tra vài ký
Được biết, lượng rau quả đổ về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức khoảng 3.400 - 3.500 tấn/đêm; chợ Hóc Môn, chợ Bình Điền có số lượng rau củ quả đổ về ngang nhau, khoảng 1.600 - 1.700 tấn/đêm. Số rau quả này cung cấp cho một địa bàn dân cư rộng lớn gồm TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Tuy số lượng hàng đổ về mỗi đêm rất nhiều, số người tiêu thụ cũng khá lớn, nhưng việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hiện trên rau quả chỉ mang tính sàng lọc. Cụ thể, mỗi đêm Phòng Quản chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của chợ sẽ phối hợp cùng Chi cục Bảo vệ thực vật xét nghiệm nhanh khoảng 10 mẫu rau củ quả các loại; trọng lượng mẫu thử khoảng vài ký. Sau thời gian từ 1 đến 2 giờ, nếu kết quả xét nghiệm nhanh phát hiện mẫu sản phẩm chứa chất cấm trên thị trường, ban quản lý chợ sẽ phối hợp cùng cơ quan chức năng lập biên bản tạm giữ lô hàng vi phạm để tiếp tục lấy mẫu phân tích định lượng. Bên cạnh đó, ban quản lý chợ cũng phát loa thông báo chỉ đích danh các tiểu thương tái phạm.
Thực tế cho thấy các loại rau quả nhiễm độc ngày càng đa dạng, khiến người tiêu dùng có cảm giác mỗi lần ăn uống là mỗi lần đối diện với tử thần. Ngay cả những loại rau dân dã như rau muống, rau ngót… cũng bị phát hiện chứa chất cấm, gây nguy hại cho sức khỏe người dùng. Được biết, cuối tháng 6 đầu tháng 7-2013, Cục Bảo vệ thực vật công bố 2 mẫu rau mướp đắng và rau ngót tiêu thụ tại 7 chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội và TPHCM có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Trước đó, thông tin về rau muống tưới dầu nhớt, hóa chất tại phường Thạnh Xuân (quận 12) cũng khiến người dân tẩy chay rau này một thời gian. Chị Nguyễn Doãn Lê, ngụ tại Nguyễn Văn Quá (quận 12) bức xúc: “Tới thăm vườn rau của người bạn về mà hết muốn ăn. Các loại rau gia vị như hành, ngò cũng bị phun, xịt thuốc kích thích tăng trưởng tùm lum. Chưa kể, có những hôm rau được giá, dù mới phun thuốc nhưng bạn tôi cũng cắt đem bán”.
PV Báo SGGP đã ghi nhận lần lượt tại các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn vào lúc 3 - 4 giờ sáng, thời điểm hàng về nhiều nhất. Chúng tôi phát hiện nhiều loại trái cây như táo, lê bị vứt bỏ dọc chợ, dù vỏ ngoài căng mịn, tươi rói. Nhặt thử trái táo còn khá tươi vừa bị chủ hàng vứt ra khỏi sọt, chúng tôi cầm tay vỗ mạnh, trái táo vỡ đôi, để lộ lớp thịt xốp ngả màu nâu đen. Theo chị Nguyễn Thị Phí, thương lái chuyên lấy hàng từ chợ Thủ Đức về Bình Dương tiêu thụ, nói: “Mấy loại hàng táo, lê nhập khẩu thỉnh thoảng bị tình trạng này. Sợ nhất là hàng Trung Quốc, vỏ bề ngoài trông tươi ngon do tẩm ướp hóa chất, nhưng coi chừng bên trong thối nát, không ăn được”.
An toàn tới đâu?
Tại một cuộc hội thảo vừa được tổ chức tại Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã chỉ ra rằng thực trạng dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, chất bảo quản… trong nông sản của Việt Nam rất đáng lo ngại. PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM, cho rằng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta đang ở mức báo động, gây nguy hiểm cho thế hệ mai sau.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cũng cho rằng cho tới thời điểm này chợ Thủ Đức chưa phát hiện mẫu rau quả nào có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, là do… may mắn. “Nông dân lạm dụng đủ loại chất cấm kích cây trồng phát triển; họ phớt lờ các quy định trồng trọt, chăn nuôi an toàn… Hơn nữa, việc giám sát, quản lý của cơ quan chức năng đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ. Điều này lý giải phần nào việc rau quả tồn dư nhiều hóa chất, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng như hiện nay”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, thông tin thêm, hiện nay chợ đang áp dụng biện pháp kiểm tra theo hình thức cuốn chiếu; kết hợp kiểm tra đột xuất và kiểm tra định kỳ. Về cơ bản, trong năm 2013, số lượng mẫu rau củ quả bị phát hiện tồn dư chất cấm chỉ khoảng 10 mẫu trên tổng số hàng ngàn mẫu kiểm tra mỗi năm. Trong khi đó, năm 2007 phát hiện tới 102/2550 mẫu bị nhiễm chất cấm. Theo ông Dũng, “Về cơ bản, rau củ quả bày bán tại chợ Hóc Môn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng khi đem về phân phối tại các chợ lẻ thì rất khó kiểm soát. Tiểu thương có thể sử dụng các loại chất cấm để bảo vệ rau củ quả tươi ngon là chuyện của họ. Đối với những trường hợp này, chúng tôi đành chịu”.
Kiểm tra nhanh bằng phương pháp sử dụng bộ kít thử để phát hiện các loại hóa chất cấm tồn dư trên rau củ, quả, thủy hải sản… bước đầu sàng lọc, ngăn chặn lô hàng chứa chất cấm giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng thực phẩm bày bán trên thị trường. Tuy vậy, dư luận vẫn nghi ngờ mức độ chuẩn xác từ báo cáo của các lãnh đạo chợ đầu mối TPHCM rằng rau quả, thực phẩm tại chợ vẫn an toàn. Trong khi đó, cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 2013, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết đã phát hiện các mẫu rau quả chứa chất cấm bán tại chợ đầu mối nông sản TPHCM. Như vậy, chỉ có người bán, cơ quan chức năng mới biết rõ chất lượng rau quả, thực phẩm bán tại chợ đầu mối. Còn về phía người dân, hãy cố gắng trở thành “người tiêu dùng thông thái” để chọn mua rau quả an toàn, mặc dù không rõ ngay cả rau quả gắn mác an toàn có thực sự đảm bảo đúng như tên gọi hay không.
THI HỒNG