Thanh tra Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM đang sử dụng thiết bị kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở của tài xế như là một trong những giải pháp nhằm hạn chế tai nạn giao thông do uống rượu bia khi điều khiển phương gây ra. Chúng tôi có cuộc trao đổi với các lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT về những vấn đề liên quan.
- Phóng viên: Thời gian đưa thiết bị đo nồng độ cồn vào tác nghiệp đến nay vẫn chưa nhiều, Thanh tra Sở GTVT có thể sơ bộ nhận xét gì?
- Ông LÊ HỒNG VIỆT, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM: Trước hết cần phải nói rằng thực hiện dự án phòng, chống và kiểm soát lái xe sử dụng rượu bia tại TPHCM nói riêng và trên cả nước nói chung là có ý nghĩa và rất thiết thực đối với tình hình giao thông hiện nay, nhằm tiến tới mục đích cuối cùng là không còn lái xe sử dụng rượu bia. Thanh tra GTVT thuộc Sở GTVT TPHCM là một trong những đơn vị được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với lái xe nếu sau khi sử dụng rượu bia mà tham gia điều khiển phương tiện lưu thông trên đường. Vì vậy, ngay sau khi Tổng cục Đường bộ và Trung tâm quốc tế về chính sách chất có cồn IACP trao tặng 2 máy đo nồng độ cồn cho Thanh tra GTVT thành phố, chúng tôi đã tổ chức triển khai kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe từ ngày 25-4.
- Ông VŨ VIỆT HÀ, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM: Hai máy đo nồng độ cồn trong hơi thở này trước mắt được phân về cho Đội 3 Thanh tra GTVT phụ trách, bởi Đội 3 là đơn vị phụ trách địa bàn có Bến xe miền Đông. Nói cách khác, trọng tâm kiểm tra kiểm soát của Thanh tra GTVT trong vấn đề này là các bến xe lớn, trọng điểm trên địa bàn. Về phương thức, chúng tôi sẽ luân phiên đưa máy đi tác nghiệp tại tất cả các bến xe trong thành phố chứ không chỉ kiểm tra ở Bến xe miền Đông, tức là bao gồm cả Bến xe miền Tây, Bến xe An Sương, Bến xe Ngã tư Ga. Việc thay đổi địa điểm kiểm tra sẽ mang tính bất ngờ, không báo trước. Đối tượng kiểm tra trước hết là lái xe khách tuyến cố định, xe tải, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch trên toàn địa bàn thành phố.
- Việc kiểm tra nồng độ lái xe sẽ được thực hiện thế nào?
- Ông VŨ VIỆT HÀ: Trước khi xe xuất bến lẫn trong quá trình điều khiển phương tiện, cán bộ Thanh tra GTVT có thể yêu cầu dừng xe và kiểm tra lái xe. Có hai cách đo nồng độ cồn, cách 1 kiểm tra qua giọng nói, hay còn gọi là kiểm tra thụ động. Theo đó, cán bộ Thanh tra GTVT yêu cầu lái xe đếm từ 1 đến 10. Cách 2 còn gọi là kiểm tra chủ động bởi lái xe được yêu cầu thổi vào ống thổi nhằm xác định nồng độ cồn. Thời gian máy cho ra kết quả trong vòng 20 giây.
- Vì là máy móc nên không thể loại trừ sai sót, sự cố bất trắc. Nói cách khác, mức độ đáng tin cậy của thiết bị đo nồng độ cồn là thế nào?
- Ông LÊ HỒNG VIỆT: Hai máy đo nồng độ cồn trong hơi thở này có thương hiệu Drager Alcotest do Cộng hòa Liên bang Đức sản xuất và được bảo đảm, bảo hành chất lượng bởi nhà cung ứng đáng tin cậy. Các ưu điểm của máy đo này khá nhiều: thao tác đơn giản, kết quả ra nhanh và chính xác, có thể sử dụng cơ động cùng với pin. Thực nghiệm trước khi đưa vào tác nghiệp chính thức của chúng tôi cho thấy dùng ngẫu nhiên cả hai phương pháp đo - thụ động và chủ động - đều cho ra kết quả như nhau.
- Cho đến nay kết quả kiểm tra, xử phạt thế nào, thưa ông ?
- Ông LÊ HỒNG VIỆT: Như đã nói, Thanh tra GTVT chỉ vừa bắt đầu áp dụng đo nồng độ cồn lái xe từ ngày 25-4 qua. Cho đến nay, cán bộ Thanh tra vẫn chưa phát hiện ra trường hợp vi phạm nào. Nhưng có lẽ, theo suy nghĩ của chúng tôi, tác dụng lớn nhất của việc đưa thiết bị đo cồn này vào tác nghiệp chính là răn đe, ngăn ngừa từ xa hành vi vi phạm của các bác tài.
- Ông VŨ VIỆT HÀ: Nếu bị phát hiện có nồng độ cồn khi đang lái xe, tài xế sẽ bị xử phạt từ 2-3 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Nếu nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mili lít máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt từ 7-8 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong 60 ngày. Nếu nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mili lít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt từ 10-15 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe trong 2 tháng.
- Cảm ơn các ông.
THIỆN NHÂN (thực hiện)