Cụm tin

Kiểm tra và xử lý nghiêm hàng lậu, hàng giả trên toàn quốc

Q.LƯU
Kiểm tra và xử lý nghiêm hàng lậu, hàng giả trên toàn quốc
  • Kiểm tra và xử lý nghiêm hàng lậu, hàng giả trên toàn quốc 
Kiểm tra và xử lý nghiêm hàng lậu, hàng giả trên toàn quốc ảnh 1
Hàng hóa Tết cần được kiểm tra chất lượng chặt chẽ. Ảnh: Q.L.

Bộ Công Thương vừa có công văn đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và Ban chỉ đạo 127 các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Bộ yêu cầu các cơ quan chức năng có các biện pháp để ổn định thị trường nhằm kịp thời đối phó với những hiện tượng bất thường có thể nảy sinh vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: buôn lậu vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, kinh doanh hàng giả, găm hàng, đầu cơ, tăng giá... Những mặt hàng sẽ được tập trung kiểm tra là những mặt hàng có nhu cầu cao, nhãn hiệu nổi tiếng, dễ bị làm giả. Ngoài ra, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như: rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, nước mắm, thực phẩm đã qua chế biến, mũ bảo hiểm dùng cho xe mô tô, xe máy cũng được kiểm tra đặc biệt…  

Q.LƯU 

  • Xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu phải qua kiểm tra khí thải 

Đây là quy định do Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu và động cơ nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy. Theo đó, các đơn vị nhập khẩu xe, động cơ để sử dụng sản xuất, lắp ráp xe bắt buộc phải qua kiểm tra và thử nghiệm mẫu để làm căn cứ xem xét, đánh giá, cấp giấy chứng nhận chất lượng xe hoặc động cơ nhập khẩu. Ngoài các thông số chủ yếu về kích thước, trọng lượng, số người cho phép chở, tốc độ lớn nhất và những thông số kỹ thuật cơ bản của động cơ, trong tài liệu giới thiệu tính năng kỹ thuật của nhà sản xuất đối với loại xe nhập khẩu còn phải có phần liên quan đến khí thải theo quy định hiện hành. Việc kiểm tra sẽ được thực hiện theo phương thức kiểm tra mẫu cho từng lô hàng nhập khẩu cùng kiểu loại.
 
T.M

  • Tọa đàm: "Cơ hội kinh doanh dành cho kiều bào" năm 2008

 Theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC), ngày 30-1-2008, ITPC phối hợp cùng Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài, Ban Liên lạc, Hội Doanh nghiệp Việt kiều, CLB Doanh nghiệp Việt kiều tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Định hướng phát triển, tầm nhìn của TPHCM và cơ hội kinh doanh dành cho kiều bào". Hội thảo nhằm giới thiệu những chính sách phát triển mới của TPHCM để tạo điều kiện cho kiều bào có cơ hội đóng góp vào sự phát triển của thành phố. Năm nay, nội dung của buổi tọa đàm sẽ tập trung vào định hướng quy hoạch và phát triển của TPHCM; lĩnh vực tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán: cơ hội và các vấn đề pháp lý.
 
T.M. 

  • Năm 2008 đẩy mạnh cấp giấy phép qua mạng  

Bộ Công Thương vừa cho biết, trong năm 2008, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh việc cấp các loại giấy phép qua mạng internet thay vì qua đường công văn gây tốn khá nhiều thời gian cho doanh nghiệp như hiện nay. Đồng thời, Bộ cũng sẽ rà soát và bỏ một số loại giấy phép như xuất khẩu xăng dầu, nhập khẩu gỗ từ Campuchia... Được biết, năm 2007, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) đã chính thức vận hành cơ chế "một cửa" trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp với 10 loại giấy phép đầu tiên được xử lý theo cơ chế này là giấy phép kinh doanh thuốc lá, thẩm tra dự án đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài trong việc mua bán hàng hóa-dịch vụ trực tiếp tại Việt Nam…
 
T.LỘC

  •  Hàn Quốc là nhà đầu tư số một tại Việt Nam  
Kiểm tra và xử lý nghiêm hàng lậu, hàng giả trên toàn quốc ảnh 2
Công ty Samsung Vina sản xuất ti vi màu. Ảnh: THÀNH TÂM

Năm 2007, Hàn Quốc tiếp tục giành ngôi vị đầu bảng trong danh sách 82 nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với 403 dự án, tổng vốn đăng ký gần 4,2 tỷ USD. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ngoài vốn đầu tư mới, năm nay các doanh nghiệp Hàn Quốc còn đầu tư bổ sung 467 triệu USD cho các dự án đang triển khai tại Việt Nam. Được biết, cơ cấu đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam cũng đang có sự thay đổi lớn, ngoài lĩnh vực bất động sản, đến nay các doanh nghiệp Hàn Quốc còn mở rộng sang các ngành công nghiệp như: năng lượng, hóa chất, hóa dầu, sản xuất thép, thay vì chỉ tập trung đầu tư vào các ngành công nghiệp nhẹ như dệt may, giày dép… 

T.M.
 

Tin cùng chuyên mục