Kiểm tra, xử lý nếu vi phạm về giá sữa

Ngày 28-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2014. Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo.

Ngày 28-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2014. Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo.

        CPI thấp nhất trong 10 năm qua

Tại phiên họp, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2-2014, Chính phủ thống nhất tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đạt kết quả tích cực, đúng hướng trên hầu hết các lĩnh vực. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, kinh tế vĩ mô chuyển biến tích cực, ổn định hơn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 0,55%, 2 tháng tăng 1,24%, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, sức mua được cải thiện nhưng vẫn bảo đảm ổn định giá cả, thị trường trong và sau tết, không xảy ra sốt giá. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định và có xu hướng giảm, tỷ giá được duy trì ổn định. Dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao, nợ xấu của các tổ chức tín dụng giảm… Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định, tình hình sản xuất kinh doanh, tiếp cận vốn của doanh nghiệp tiếp tục khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng 12,2% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, thông tin tại phiên họp cho thấy, hiện nay tiền đang ứ đọng ở mức cao. Chính phủ chỉ đạo tìm mọi cách để tập trung giải ngân cho các công trình xây dựng cơ bản, giải ngân tốt nguồn vốn ODA để không xảy ra tình trạng đầu năm thư thả, cuối năm dồn dập.

Tại phiên họp, Thủ tướng cũng chỉ đạo giải quyết rốt ráo những kế hoạch đã đề ra. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước có biện pháp phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đưa nhanh vốn tín dụng vào nền kinh tế, khơi thông luồng vốn tín dụng cho các doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tạo đà cho phục hồi tăng trưởng… Tập trung giải quyết, chăm lo cho người dân, đối tượng nghèo, chính sách, không để thiếu đói; tập trung xử lý cúm gia cầm…

        Kiểm tra việc 4 “ông lớn” cùng tăng giá sữa

Tham dự phiên họp Chính phủ ngày 28-2, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phản ánh tình trạng vừa qua 4 hãng sữa lớn cả trong nước và nước ngoài gồm: Vinamilk, Mead Johnson VN, Nestle VN, Friesland Campina VN cùng tăng giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi.

Đây là biểu hiện mà theo Luật Cạnh tranh là có thỏa thuận. “Vừa rồi Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu giải trình nhưng họ vẫn lên giá cùng lúc. Cách đây 3 tháng, 3 công ty viễn thông lớn cũng tăng giá cước 3G cùng một ngày. Hình thức là quyền của doanh nghiệp, nhưng trong một thị trường mà dưới 5 người cạnh tranh là nguy cơ thỏa thuận rất lớn gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Đề nghị Bộ Công thương, Cục Quản lý cạnh tranh cùng với các bộ, ngành liên quan có yêu cầu bám sát việc giải trình tăng giá của những người chủ lực mà lại tăng giá cùng một ngày. Trong hội nhập, chúng ta phải có quyền bảo vệ người tiêu dùng bằng giám sát cạnh tranh không lành mạnh”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Sau khi có ý kiến của Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành có liên quan, trực tiếp là bộ trưởng Bộ Tài chính kiểm tra việc 4 “ông lớn” cùng tăng giá sữa, nếu vi phạm xử lý kiên quyết theo quy định pháp luật. Vấn đề này cũng tiếp tục được báo chí đặt ra tại buổi họp báo khi cho rằng giá sữa được bán lẻ trên thị trường cao hơn rất nhiều so với giá bán buôn; chỉ đăng ký giá bán buôn còn giá bán lẻ thì thả nổi.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện sai phạm vì sữa là mặt hàng đặc biệt thiết yếu với trẻ em dưới 6 tuổi.

        Sập cầu ở Lai Châu: Xử lý triệt để sai phạm

Liên quan đến tai nạn sập cầu treo ở Lai Châu, ông Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ họp lần này cũng bàn rất kỹ. Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ Xây dựng báo cáo nguyên nhân là do quá trình thi công. Đáng ra phải đúc nguyên con ốc thì họ lại hàn nên con ốc cứng, bị gãy đôi làm sập cầu. Còn quy trình xây dựng cầu, cơ quan nào thẩm định, thiết kế, thi công cũng đã yêu cầu truy rõ nguyên nhân, trách nhiệm và sẽ xử lý triệt để. Thủ tướng rất quan tâm vấn đề này, bàn kỹ, thậm chí còn bàn cả việc lắp đặt thiết bị cảnh báo quá tải cho người dân khi qua cầu, làm sao có hướng khắc phục trong thời gian sớm nhất”, ông Nguyễn Văn Nên cho biết. Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc việc tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ công trình cầu treo giao thông nông thôn trên địa bàn, nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình này cũng như tính mạng và tài sản của nhân dân.

        Giữ nguyên trạng cầu Long Biên

Liên quan đến vấn đề bảo tồn cầu Long Biên, Thủ tướng đã yêu cầu “Không bàn chuyện dỡ cầu Long Biên nữa. Cầu mới để dành cho đường sắt cần bàn cho cụ thể. Việc xây cầu mới cách cầu cũ 30m, 50m hay 200m thì Bộ GTVT và thành phố Hà Nội cần ngồi lại bàn bạc tính toán với nhau”. Chỉ đạo này được đưa ra sau khi tại phiên họp, Chính phủ nghe Bộ GTVT báo cáo dự án đường sắt đô thị số 1 và phương án bảo tồn cầu Long Biên.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, đã có nhiều hội thảo liên quan đến vấn đề bảo tồn cầu Long Biên với nhiều điểm gây tranh cãi. Quan điểm của Bộ GTVT là thống nhất theo phương án trước đây đã được Thủ tướng đồng ý, đó là làm cầu mới cách cầu Long Biên 30m. Vì phương án này có chi phí thấp nhất, giải phóng mặt bằng ít nhất; còn theo phương án của Hà Nội là xây cầu mới cách cầu Long Biên cũ 186m thì sẽ ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ, khó giải phóng mặt bằng, chi phí cao mà thực tế cũng không làm được.

Trả lời vấn đề mà dư luận đang quan tâm xoay quanh khối tài sản của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, đây là chuyện khó trả lời. “Chính phủ không có nhiệm vụ trong việc này. Cũng chưa có thông tin nào chính thức, chỉ là qua báo chí. Tuy nhiên, câu chuyện này có 2 vấn đề phải suy nghĩ. Thứ nhất, ông Trần Văn Truyền từng là cán bộ cơ quan trung ương, hiện đang sinh hoạt đảng tại một chi bộ đảng. Quy định với cán bộ, đảng viên rất chặt chẽ. Trách nhiệm đảng viên là khi có vấn đề đặt ra thì phải làm rõ. Qua báo chí, chúng ta thấy ông Trần Văn Truyền sẵn sàng hợp tác. Mặt khác, ông Trần Văn Truyền là công dân được pháp luật bảo vệ, phải tôn trọng quyền công dân. Khi nói, viết về một con người nên suy nghĩ đến liều lượng, mức độ thế nào để các cơ quan trách nhiệm vào cuộc. Ông Truyền có trách nhiệm làm rõ thực hư thế nào, nếu đi quá sẽ xảy ra những rắc rối khác. Cán bộ dù ở bất cứ vị trí, cương vị nào thì cũng cần soi rọi, cần hành động thế nào cho đúng niềm tin của người dân”, ông Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục