Tết là thời điểm những người con xa quê trở về sum họp với gia đình, nhưng với nhiều sinh viên (SV) và người lao động ở tỉnh đang học tập và làm việc tại TPHCM có hoàn cảnh khó khăn, tết lại là thời điểm để họ tranh thủ kiếm việc làm thêm.
Nhu cầu tìm việc dịp tết tăng cao
Nguyễn Hải Anh (SV năm 4 ĐH Y Dược TPHCM) đã có 3 mùa làm thêm dịp tết, cho biết: “Trong năm học, lịch học dày đặc, nên em không có thời gian làm thêm. Năm nào cũng vậy, tận dụng dịp nghỉ tết, em tranh thủ ở lại TPHCM kiếm việc làm thêm. Ngay khi có lịch nghỉ tết, em đã đăng ký việc làm. Năm trước, em có việc làm cả 2 ca mỗi ngày, một ca dán phong bì thiệp chúc tết, và một ca bán hàng tại một tiệm tạp hóa. Gần 20 ngày làm thêm, thu nhập cũng đủ cho em trang trải 2 tháng tiền nhà và tiền chi tiêu sinh hoạt, nên gia đình cũng đỡ phần nào gánh nặng. Tết năm nay, em đăng ký chăm sóc hai cụ ở quận 7, hy vọng với kiến thức được học, em có thể làm tốt công việc này”.
Có mặt tại Trung tâm Hỗ trợ HS-SV TPHCM, sau một hồi tìm hiểu tại bảng thông tin việc làm, Phạm Như Lê (SV ĐH Công nghiệp thực phẩm) chọn đăng ký công việc dọn dẹp và trông nhà cho một gia đình ở quận 2. Lê cho biết: “Mùa hè vừa rồi, em cũng nhận coi nhà cho một gia đình đi du lịch nước ngoài 1 tháng, nên em được hướng dẫn cách sử dụng đồ đạc trong nhà rất kỹ, do đó em nghĩ mình sẽ làm tốt công việc này. Hơn nữa, làm ở đây ngoài lương, chủ nhà còn thưởng cao nếu mình làm tốt, và được bao ăn ở nên em sẽ có khoản tiền gửi về nhà phụ gia đình”. Lê cho biết, mọi năm em chỉ tự lo tiền sinh hoạt cho mình nên làm thêm đến cận tết thì về quê, còn năm nay, sẽ ở lại không về quê, vì gắng kiếm tiền phụ cha mẹ mua giống và phân bón cho vụ gieo trồng sắp tới. Đợt lũ vừa qua đã khiến gia đình em ở Quảng Bình trắng tay.
Khác với các bạn cùng trang lứa, dù hoàn cảnh gia đình khá giả, nhưng Nguyễn Danh Hoàng (SV ĐH Kinh tế TPHCM) và Vũ Mai Linh (SV ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM) tết nào cũng kiếm việc làm thêm. Cả 2 bạn đều cho biết, ngay từ năm nhất gia đình đã ủng hộ kế hoạch làm thêm dịp tết, để các bạn học cách kiếm sống và chi tiêu hợp lý, cũng là cơ hội để trải nghiệm cuộc sống. Năm nay, Hoàng đăng ký giao hàng cho một cửa hàng bán đồ ăn nhanh còn Mai Linh xin làm nhân viên giới thiệu sản phẩm tại siêu thị.
Chị Phạm Thị Cẩm (quê Thanh Hóa), đã cùng con vào TPHCM kiếm sống từ 5 năm nay. Chị tâm sự: “Con gái tôi đang làm ở KCX Tân Thuận, nó nhờ tôi tới đây xem có việc gì phù hợp thì nộp hồ sơ giùm, vì con bé đi làm về trễ, không tự đi nộp hồ sơ được. Mọi năm hai mẹ con tôi về quê ăn tết, nhưng năm nay muốn tiết kiệm tiền để cất lại nhà, nên ở lại kiếm xem có việc gì làm thêm không”.
Bà Trần Thị Tô, chủ dãy trọ số 71/2/19 Liên Cảng A5 (phường Tân Thuận Đông, quận 7) cho biết, tết năm nay các công nhân trọ trong dãy trọ của bà ở lại đông. Các công nhân trẻ dự định sau khi công ty được nghỉ sẽ xin làm chạy bàn, rửa chén cho các quán nhậu. Những người lao động tự do thì tìm việc quét dọn nhà, chăm sóc thú cưng, hoặc vẫn tiếp tục công việc thường ngày như đi bán bóng bay, bán nước mía, lượm ve chai…
Thiết thực hỗ trợ tìm việc
Dự kiến năm nay lượng lao động thời vụ ở lại TPHCM dịp tết tăng cao, nên trước đó, các trung tâm hỗ trợ việc làm đã tích cực tìm kiếm nguồn việc làm để đáp ứng nhu cầu việc làm dịp tết. Có những việc làm hấp dẫn như trông Đường hoa Nguyễn Huệ, bán hàng, thu ngân, giao hàng… Đặc biệt năm nay có nhiều gia đình có nhu cầu tìm người giúp việc nhà và chăm sóc thú cưng, trả tiền công khá cao. Theo ông Dương Trọng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ HS-SV TPHCM, dù vẫn đang bận rộn với đợt thi học kỳ, nhưng đã có nhiều SV tới trung tâm tìm việc. Tại thời điểm này, mỗi ngày trung tâm đã tư vấn và giới thiệu việc làm cho hơn 120 SV, cho thấy thị trường lao động bán thời gian dịp tết này hứa hẹn sẽ rất đông. Hiện nay, trung tâm vẫn tiếp tục tìm kiếm, vận động các doanh nghiệp, gia đình và cá nhân có nhu cầu sử dụng lao động bán thời gian trong dịp Tết Nguyên đán liên kết với trung tâm để đáp ứng chỉ tiêu 4.000 đầu việc làm cho SV. Đặc biệt, SV sẽ được tập huấn các kỹ năng cơ bản theo từng loại hình công việc trước khi đưa tới đơn vị tuyển dụng.
Ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TPHCM (trụ sở tại quận Gò Vấp), cũng cho biết, ngay từ những tháng cuối năm 2013, trung tâm đã liên hệ nhiều doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội việc làm thời vụ cho lao động trẻ. Theo đó, sẽ có 1.500 đầu việc làm đang chờ lao động. Ngoài ra các đơn vị hỗ trợ việc làm khác như Trung tâm Đào tạo, cung ứng lao động Votec thuộc Liên đoàn Lao động TPHCM (trụ sở tại quận 10) có khoảng 300 đầu việc và Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM (trụ sở tại quận Bình Thạnh) có hơn 1.000 đầu việc trong dịp tết.
THU HƯỜNG