Thoát ra từ hai cuộc chiến tranh, đất nước bị tàn phá nặng nề, việc phát triển kinh tế - xã hội hầu như bắt đầu từ con số 0. Vậy nhưng Việt Nam đã chứng tỏ sức chiến đấu bền bỉ của mình trong cuộc chiến mới: chống đói nghèo. Cùng với Ghana, Việt Nam là nước đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và chăm sóc sức khỏe người dân. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn 10 năm 5/8 mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc và có thể đạt hết các mục tiêu vào năm 2015.
Trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ nghèo liên tục giảm, từ 58,1% năm 1993 xuống còn 11,3% vào năm 2009. Đến năm 2010, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học theo chuẩn phổ cập của quốc gia; đạt được những thành tựu to lớn về tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; giảm tử vong trẻ em; có những bước tiến lớn trong việc thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu. Thành quả trên là sự nỗ lực to lớn của cả dân tộc trong tiến trình phát triển.
Giảm nghèo từ lâu đã trở thành động lực, là mục tiêu của phát triển. Chương trình mục tiêu giảm nghèo quốc gia 5 năm 2005 - 2010 của Chính phủ đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, được nhân dân đồng tình và quốc tế đánh giá cao. Riêng về chuẩn nghèo, từ năm 1993 đến nay, chúng ta đã 5 lần điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và từng bước tiếp cận với chuẩn nghèo quốc tế. Sau mỗi lần điều chỉnh, số hộ được hưởng chính sách trợ giúp tăng thêm. Hiện tại, Chính phủ đã ban hành một số chính sách nhằm trợ giúp cấp bách cho người nghèo, hộ nghèo và các đối tượng khó khăn, đồng thời đang tích cực chỉ đạo triển khai việc điều chỉnh chuẩn nghèo để áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015.
Trong giai đoạn phát triển mới, tuy có những điều kiện thuận lợi nhưng mục tiêu giảm nghèo được các chuyên gia đánh giá là sẽ gặp không ít khó khăn. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới bằng thể chế kinh tế thị trường nên khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, nhất là mức sống giữa thành thị và nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
Thực tế, đến nay không phải bất cứ người dân nào cũng có điều kiện tiếp cận các dịch vụ công về giáo dục, y tế, nước sạch và vệ sinh môi trường. Số liệu gần đây nhất công bố cho thấy, chỉ có 55,6% hộ gia đình dân tộc thiểu số được tiếp cận với nguồn nước uống an toàn. Việc thiếu tiếp cận tới các dịch vụ cơ bản sẽ kìm hãm sự phát triển, rơi vào vòng xoáy đói nghèo, tái nghèo.
Chính bởi những thách thức đó, chương trình mục tiêu giảm nghèo quốc gia giai đoạn 2010 - 2015 cần được xây dựng đồng bộ, liên thông và lồng ghép các giải pháp, chính sách để người nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo bình đẳng. Hiện Chính phủ đang triển khai thực hiện có hiệu quả đề án dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thị trường lao động, phục vụ cho chuyển dịch tích cực cơ cấu kinh tế nói chung và trong khu vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng, phù hợp với yêu cầu của từng ngành và từng địa phương.
Kiên định với mục tiêu giảm nghèo, từ năm 2010, hàng năm nước ta sẽ tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó có đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã; chú trọng đào tạo nghề gắn với chuyển đổi ngành nghề đối với nông dân mà Nhà nước đã thu hồi đất. Trước mắt, trong năm 2011 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% theo chuẩn mới; riêng 62 huyện nghèo giảm 4%, đẩy nhanh việc hỗ trợ người nghèo xóa nhà tạm bợ, dột nát.
Để thực hiện hiệu quả công tác này, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị cần phối hợp chặt chẽ, tập trung chỉ đạo quyết liệt, kiên trì và thường xuyên phải huy động được sức mạnh tổng hợp, sự đồng lòng, chung sức và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để chăm lo cho người nghèo. Và quan trọng nhất vẫn là khơi gợi ý chí vươn lên thoát nghèo của mỗi người dân.
HÀM LUÔNG