Kiên định mục tiêu

Tính từ thời điểm ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về việc tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, đến nay, đã hơn 3 tháng trôi qua. Thời gian không nhiều nhưng cũng không phải là ít để quyết tâm thực hiện những mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra. Và thực sự những con số thống kê tại thời điểm này cho thấy, với nỗ lực, quyết tâm của các bộ ngành, địa phương, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Nghị quyết 11 đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng thực sự.

Những thông tin đáng phấn khởi được đưa ra tại phiên họp của Chính phủ thường kỳ tháng 5 cho thấy, tác động của nghị quyết đối với cuộc sống là rất tích cực và lan tỏa mạnh. Những kết quả đó có thể thấy rõ là kiểm soát chặt chẽ thị trường tiền tệ, quản lý thị trường ngoại tệ, vàng, giảm đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, tăng dự trữ ngoại tệ, đảm bảo tốt hơn cán cân thanh toán… Đã có những con số cụ thể để chứng minh điều này: Tổng số tiền cắt giảm chi thường xuyên của các bộ ngành, địa phương đã đạt trên 3.800 tỷ đồng.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng ước đạt trên 34,7 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước và gấp hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua (10%). Tốc độ tăng giá đã có xu hướng giảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng chuyển biến theo chiều hướng tích cực; giá vàng trong nước đã dần đi vào ổn định và hiện thấp hơn đáng kể so với giá vàng thế giới.

Tuy nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các chính sách an sinh xã hội được chú trọng. Các ngành, các cấp và địa phương phối hợp chặt chẽ, thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách, giảm thiểu khó khăn đối với người lao động do biến động giá cả trong thời gian qua. Việc thực hiện Nghị quyết 11 đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu, nhưng tình hình trước mắt còn nhiều trở ngại.

Tại phiên họp Chính phủ vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải kiên định thực hiện đồng bộ các giải pháp đề ra trong Nghị quyết 11, tập trung chỉ đạo, điều hành để kiểm soát lạm phát năm 2011 khoảng 15%, tăng trưởng GDP đạt 6%, giảm bội chi ngân sách nhà nước dưới 5%, nhập siêu không quá 16% kim ngạch xuất khẩu, tiết kiệm chi 10%. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng cần “bám chặt”, coi đây là mục tiêu bao trùm để tập trung chỉ đạo, điều hành từ nay đến cuối năm.

Chủ trương nhất quán của Chính phủ rất rõ ràng: Chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn để bảo đảm kiểm soát lạm phát. Bởi thực tế hiện nay cho thấy chỉ số lạm phát dù có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn cao; nhập siêu còn lớn, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đang chật vật; đời sống người nghèo, thu nhập thấp, lao động phổ thông đang khó khăn. Bài toán bao trùm lên tất cả là phải mạnh mẽ cắt giảm đầu tư công; bình ổn thị trường, kiểm soát tăng trưởng tín dụng; ổn định các cán cân vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tất cả những điều đó không nằm ngoài tinh thần Nghị quyết 11 đã đề ra.

Để đạt được yêu cầu Nghị quyết 11 đề ra, người dân thực sự mong Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nghiêm túc cắt giảm chi tiêu công và thực hành tiết kiệm; thực hiện các giải pháp quản lý giá, ngăn chặn tình trạng lợi dụng tăng lương để tăng giá. Có như vậy, người dân mới thực sự tin vào hiệu quả của Nghị quyết 11 mà Chính phủ đang nỗ lực, kiên định thực hiện.

Lâm Nguyên

Tin cùng chuyên mục