Người dân kiện chủ tịch UBND huyện vì cho rằng chính quyền quản lý người nuôi tôm không xuể rồi ra quyết định chuyển đổi nhằm hợp thức hóa. Trong khi đó, việc chuyển đổi từ đất làm 2 vụ lúa sang một vụ lúa, một vụ tôm của địa phương đã có quy hoạch và lộ trình thực hiện rõ ràng.
Cây lúa “đi kiện”
Chúng tôi đến cánh đồng ấp Kinh Ba (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang), nơi đang xảy ra tranh chấp gay gắt giữa người trồng lúa và người nuôi tôm. Cả cánh đồng rộng hàng trăm hécta được bao bọc bởi các tuyến kênh Bốn Ngàn, kênh Năm Ngàn, kênh Ba và kênh Đòn Dông. Lúa đông xuân đang mơn mởn xanh, nhưng ẩn trong màu xanh của lúa là nỗi lòng chưa yên của nhiều nông dân. Người dân lo lắng và tự hỏi: Vụ tới trồng lúa hay nuôi tôm? Nếu trồng lúa có bị nước mặn của những hộ nuôi tôm làm ảnh hưởng? Bởi từ ngày 12-6-2012, nguyên Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận Võ Minh Lễ đã ký Quyết định 1388 mở rộng diện tích quy hoạch nuôi một vụ tôm, trồng một vụ lúa sang cánh đồng này. Và kể từ ngày quyết định được ban hành, người nuôi một vụ tôm, trồng một vụ lúa mới là người tuân thủ quy hoạch, còn những ai trồng 2 vụ lúa/năm là chống chủ trương.
Quyết định 1388 của Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận ngay lập tức bị người trồng 2 vụ lúa ở ấp Kinh Ba khởi kiện. Nông dân Đặng Văn Thành, người trồng lúa trên cánh đồng ấp Kinh Ba, phản ứng: “Huyện quản lý quy hoạch không xuể rồi ra quyết định hợp thức hóa cho các hộ nuôi tôm. Ở đây có người nuôi tôm thất bại đã bán đất bỏ xứ đi. Chúng tôi dứt khoát không nuôi tôm, vì sợ tán gia bại sản như họ”.
Chuyện tranh chấp giữa người trồng lúa và người nuôi tôm xảy ra như cơm bữa tại vùng U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang. Nhiều hộ cho rằng nuôi tôm dễ làm giàu, nhưng số khác lại nói trồng lúa chắc ăn hơn. Khổ nổi môi trường sống của con tôm và cây lúa khác xa nhau nên từ đó xảy ra tranh chấp. Còn tại cánh đồng ấp Kinh Ba, mâu thuẫn giữa người trồng lúa và người nuôi tôm lên cao điểm vào năm 2008, khi có đến gần 100 công lúa của 7 hộ dân bị nước mặn từ các vuông tôm thấm vào đất gây chết. “Cây lúa” kiện “con tôm” ra tòa. Tòa buộc các hộ nuôi tôm bồi thường cho các hộ trồng lúa, vì các hộ nuôi tôm nằm ngoài vùng quy hoạch. Chuyện tưởng êm, ai ngờ đến nay tiền bồi thường người trồng lúa vẫn chưa nhận được. Về sau, diện tích nuôi tôm càng mở rộng, cây lúa trên đất Kinh Ba từ đó cũng kém xanh tươi. Một người dân tại ấp Kinh Ba nói: “Tranh chấp giữa hai phía rất gay gắt. Người trồng lúa thì vò thuốc độc dùng ná dây thun bắn vào vuông tôm. Còn người nuôi tôm đập vỏ chai lấy miểng liệng xuống ruộng lúa”.
Phát triển đúng hướng
Theo tân Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận Mai Hoàng Khởi, chủ trương chuyển đổi đất nông nghiệp trồng một vụ, hai vụ lúa kém hiệu quả sang nuôi một vụ tôm, trồng một vụ lúa ở huyện Vĩnh Thuận đã mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Nhiều vùng nông thôn trước nhờ nuôi tôm, trúng tôm mà thay đổi vượt bậc, người dân khá lên xây nhà, mua xe… làng quê, xóm ấp đã khác xưa nhiều. Tuy nhiên trong quá trình sản xuất mô hình này cũng có nhiều hộ làm ăn thua lỗ, phải bán đất. Đó là quy luật kinh tế.
Để khẳng định việc chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm của huyện Vĩnh Thuận không bị động, nôn nóng hay vội vàng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trịnh Tài Mon đưa chúng tôi xem hàng loạt văn bản như tờ trình, quyết định của UBND tỉnh, Sở Thủy sản (trước đây), UBND huyện và tờ trình, đề nghị của các xã từ năm 2002 đến nay. Theo đó, năm 2002 huyện Vĩnh Thuận được UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm đến năm 2010 là 7.643ha, sản xuất theo 3 mô hình: tôm - lúa, tôm - vườn và chuyên tôm. Đầu năm 2003, toàn huyện có 2.600 hộ mạnh dạn đầu tư chuyển 4.450ha đất nông nghiệp sang nuôi tôm, vượt ngoài sự mong đợi của ngành chức năng và chính quyền địa phương.
Trước phong trào chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm phát triển mạnh, Ban Thường vụ Huyện ủy ra nghị quyết giữ ổn định 9.000 - 12.000ha lúa sản xuất 2 vụ nhằm đảm bảo an toàn lương thực trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo UBND huyện lập tờ trình để UBND tỉnh bổ sung diện tích quy hoạch nuôi tôm của huyện lên 16.500ha, bố trí vốn nạo vét những tuyến kênh bao, phân cách vùng sản xuất lúa, kênh cấp thoát nước. Không dừng lại ở đó, theo quy hoạch năm 2003 điều chỉnh của UBND tỉnh Kiên Giang đến năm 2010, diện tích nuôi tôm của Vĩnh Thuận lên đến trên 24.000ha.
Thực tế, cánh đồng ấp Kinh Ba là nơi đã quy hoạch sản xuất một vụ tôm một vụ lúa và hiện tại đã có hơn 80% nông dân nơi đây đang áp dụng mô hình này. Vì vậy, UBND huyện Vĩnh Thuận ra quyết định mở rộng diện tích tôm - lúa theo quy hoạch là phù hợp, tuy nhiên khi thực hiện còn những khúc mắc khiến người dân hoài nghi. Để yên dân, chính quyền, các đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động khẳng định đây là một hướng phát triển phù hợp để người dân nâng cao nhận thức chấp hành chủ trương và quy hoạch sản xuất của địa phương, chấm dứt những xung đột, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, cùng nhau phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và xã hội
Ông Trịnh Tài Mon nói: “Hiện tại diện tích đã chuyển dịch sang mô hình tôm - lúa của Vĩnh Thuận đã trên 20.000ha. Tuy nhiên, diện tích trồng hai vụ lúa ăn chắc của huyện vẫn còn 9.100ha. Với diện tích lúa hai vụ này, cộng với một vụ đông xuân của diện tích tôm - lúa nên an toàn lương thực trên địa bàn vẫn đảm bảo”.
Trọng Nghĩa