Kiên Giang tập trung phòng chống sốt xuất huyết

Theo ghi nhận của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 761 ca bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng 34% so cùng kỳ năm 2016; trong đó có 44 trường hợp bị nặng (chưa ghi nhận trường hợp tử vong). 
Làm vệ sinh lu chứa nước ngừa loăng quăng. Ảnh minh họa
Làm vệ sinh lu chứa nước ngừa loăng quăng. Ảnh minh họa
Bệnh SXH xuất hiện ở hầu hết 15 huyện, thị, TP trong tỉnh; các địa phương có số ca mắc bệnh cao là TP Rạch Giá (174 ca), huyện đảo Phú Quốc (104 ca), huyện Kiên Lương (85 ca)… Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kiên Giang nhận định, bệnh SXH tăng là do thời tiết thay đổi thất thường, xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa.
Bên cạnh đó, người dân thường dự trữ nước mưa sinh hoạt, tạo môi trường để muỗi vằn - tác nhân truyền bệnh SXH phát triển. Dự báo, trong thời gian tới, tình hình bệnh còn diễn biến phức tạp. Ngành y tế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp phòng chống SXH. 
Tại TP Rạch Giá, 12 phường, xã đã tiến hành phun hóa chất, diệt lăng quăng. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng hình thức phát tờ bướm, băng rôn, nói chuyện sức khỏe. Khi phát hiện ổ bệnh, lập tức khoanh vùng để phun hóa chất diệt muỗi, kịp thời dập tắt ổ bệnh; chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phòng chống khi có dịch xảy ra trên địa bàn.
Một số địa phương khác trong tỉnh cũng triển khai phun hóa chất diệt muỗi phòng chống SXH, tập trung nhiều ở những nơi dễ lây truyền nhanh, nhất là trường học. Tại huyện vùng sâu Vĩnh Thuận, mặc dù từ đầu năm đến nay mới phát hiện 20 ca, tuy nhiên thời gian tới có thể bệnh SXH diễn biến phức tạp khi học sinh bước vào năm học 2017-2018.
Vì vậy, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thuận đã tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại các điểm trường, đặc biệt những nơi ẩm thấp và nhà vệ sinh. Theo bác sĩ Võ Thị Thùy Trâm, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kiên Giang), việc phun thuốc là cần thiết để tiêu diệt nhanh gọn đàn muỗi, ngăn chặn sự lây lan truyền bệnh. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp nhất thời và chỉ diệt được muỗi trưởng thành. Biện pháp lâu dài và căn cơ là diệt lăng quăng. 
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, Khoa nhi đã tiếp nhận 361 ca SXH, trong đó có 28 ca nặng (sốc), 61 ca tiền sốc. Năm nay, diễn biến bệnh khác hơn mọi năm. Đó là, trẻ lớn bị SXH nhiều hơn, từ 8 - 10 tuổi thay vì trước đây thường từ 3 - 5 tuổi.
Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chuẩn bị chu đáo từ số giường nằm điều trị đến cơ số thuốc điều trị... Ngoài ra, cử đoàn y, bác sĩ đến bệnh viện các huyện, thị trong tỉnh tập huấn. Bác sĩ Trương Bích Thủy, Phó Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang), khuyến cáo người dân không được mất cảnh giác với bệnh SXH. Nhất là khi vào những tháng mùa mưa bệnh diễn biến tăng.

Tin cùng chuyên mục