(SGGP).- Ngày 26-2, tại Hà Nội, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo nhằm lấy ý kiến doanh nghiệp về sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự.
Các ý kiến tại hội thảo nhìn nhận, bên cạnh những mặt tích cực, Luật Thi hành án dân sự 2008 cũng đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc như hoạt động thi hành án dân sự chưa được thống nhất; trình tự, thủ tục thi hành án còn phức tạp, kéo dài, nhiều công đoạn, chưa tạo điều kiện để đương sự chủ động tham gia tích cực vào trong quá trình thi hành… Đóng góp vào việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự, có ý kiến cho rằng, cần phải quy định mở rộng về quyền của luật sư tham gia giai đoạn thi hành án dân sự; cần có chế tài ràng buộc trách nhiệm của chấp hành viên về vấn đề thời hạn thi hành án, thủ tục thi hành án; tăng cường vai trò của Viện Kiểm sát trong hoạt động thi hành án.
Theo thông tin tại hội thảo, dự thảo Luật Thi hành án dân sự dự kiến sửa đổi, bổ sung 85 điều, gồm: sửa đổi, bổ sung 74 điều, khoản; bổ sung mới 10 điều, khoản; bãi bỏ 1 điều, khoản. Đáng lưu ý, dự thảo đã bổ sung phạm vi các bản án, quyết định được thi hành án; quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; chủ trương khuyến khích xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự; sửa đổi, bổ sung quy định về chấp hành viên. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong thi hành án dân sự; yêu cầu tương trợ tư pháp dân sự trong thi hành án dân sự… cũng đã được bổ sung.
ANH PHƯƠNG