(SGGP).- UBND TPHCM kiến nghị Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại Trung ương báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép áp dụng chính thức chế định Thừa phát lại. Kiến nghị này được TP nêu ra trong hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm chế định Thừa phát lại tại TPHCM, được UBND TP tổ chức vào chiều 3-8.
Phát biểu mở đầu hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ, TP rất vinh dự được Trung ương tin tưởng giao nhiệm vụ có bước đi tiên phong trong việc thí điểm chế định Thừa phát lại. “Lãnh đạo TP không chấp nhận quan điểm cho rằng việc thí điểm là nhằm để xem xét nếu được thì làm, không được thì chấm dứt. Nghĩa là, quan điểm của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM là việc thí điểm nhất quyết phải thành công” - đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Qua 5 năm thí điểm (từ 2009 - 2015) với 2 giai đoạn, 11 Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn TP đã tống đạt hơn 501.000 văn bản theo yêu cầu của tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự. Hoạt động tống đạt của Thừa phát lại đã tạo điều kiện cho tòa án và cơ quan thi hành án tiết kiệm được nhiều thời gian và nhân lực để tập trung vào công tác chuyên môn chính là thi hành án và xét xử. Cũng trong thời gian này, các Văn phòng Thừa phát lại đã trực tiếp tổ chức thi hành án 196 vụ việc; xác minh điều kiện thi hành án 382 vụ việc. Về công tác lập vi bằng, các Văn phòng Thừa phát lại đã lập hơn 32.500 vi bằng. Số lượng vi bằng được lập của năm sau cũng luôn gia tăng đáng kể so với năm trước với nội dung đa dạng về sự kiện và hành vi, về lĩnh vực.
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, hoạt động của Thừa phát lại đã góp phần thúc đẩy ổn định, trật tự trong giao lưu dân sự, kinh tế. Bên cạnh hiệu quả trong việc cung cấp chứng cứ xác thực, khách quan cho hoạt động xét xử của tòa án, hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại còn có tác dụng quan trọng trong việc phòng ngừa, hạn chế tranh chấp thông qua giá trị chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của vi bằng. Từ đó, gián tiếp giảm tải cho hoạt động xét xử và thi hành án của tòa án, của cơ quan thi hành án. Việc trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự của Thừa phát lại bên cạnh hệ thống Cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước đã tạo ra môi trường thi đua, cạnh tranh lành mạnh trong công tác thi hành án dân sự, góp phần hạn chế sự “độc quyền”, tiêu cực và tăng cường hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Thừa phát lại bước đầu là trợ thủ đắc lực giúp cho người dân xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Người dân ngày càng tin tưởng giao cho Thừa phát lại thực hiện những yêu cầu liên quan đến tài sản có giá trị lớn. Đến nay, doanh thu từ hoạt động của 11 Văn phòng Thừa phát lại đạt gần 79 tỷ đồng.
MẠNH HÒA
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu