Kiến nghị cho TPHCM lập cơ quan chuyên trách về an toàn thực phẩm

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 ngày 26-3, đồng chí Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TPHCM tham dự với tư cách Bộ trưởng Bộ GT-VT. Tại đây, ông đã có những kiến nghị về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP), dự án đường sắt đô thị, xã hội hóa y tế.
Kiến nghị cho TPHCM lập cơ quan chuyên trách về an toàn thực phẩm

(SGGPO).– Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 ngày 26-3, đồng chí Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TPHCM tham dự với tư cách Bộ trưởng Bộ GT-VT. Tại đây, ông đã có những kiến nghị về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP), dự án đường sắt đô thị, xã hội hóa y tế.

Theo đồng chí Đinh La Thăng, đấu thầu tập trung trang thiết bị y tế hiện nay có nhiều bất cập. Đồng chí chỉ rõ: Vì đấu thầu tập trung nên 3 năm nay TPHCM không mua được bất kỳ một thiết bị y tế nào, nhiều bệnh viện có tiền nhưng không mua được. Nhiều bệnh nhân chết vì không có thiết bị điều trị. Tại sao tư nhân không đấu thầu nhưng họ toàn mua được giá tốt? Cần phân cấp mạnh, nhà nước (các sở y tế) tăng cường kiểm tra, giám sát thì sẽ bảo đảm hiệu quả. Về tự chủ, nên tăng cường tự chủ cho tất cả cơ sở bệnh viện, chúng ta quản lý về giá cả, tiêu chuẩn, chất lượng, đừng sợ họ làm sai.

Về ATTP, đồng chí Đinh La Thăng thẳng thắn: Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói các bộ phối hợp rất tốt nhưng dân vẫn đang ăn bẩn, vậy phối hợp kiểu gì? Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị cho TPHCM thí điểm  thành lập 1 cơ quan thuộc UBND TPHCM để lo việc này. TP bảo đảm biên chế không tăng tập trung vào một đầu mối để làm, tránh tình trạng hỏi thì bộ nào cũng bảo đang làm, nhưng dân thì vẫn ăn bẩn. Cùng với đó, cho tăng tiền xử phạt, tiền xử phạt được để lại cho địa phương đầu tư vào công tác ATTP, không đưa vào cân đối ngân sách.

Bí thư Thành ủy TPHCM cũng cho rằng phải đẩy mạnh xã hội hóa y tế là điều hoàn toàn có thể làm tốt nhưng do cơ chế nên hiện nay chưa mở ra được. Các cơ sở y tế tư nhân đầu tư rất nhiều nhưng vô cùng lãng phí, có nơi chỉ dùng đến 30%-40%, thậm chí 10%-20%. Do đó, có thể dùng thương hiệu của bác sĩ công cộng với cơ sở vật chất của bệnh viện tư để giảm tải. Phải mở một loạt các phòng khám, bằng cách cho phép các bác sĩ bệnh viện công làm với một cơ chế công khai, minh bạch. Vì tâm lý của người bệnh hiện nay là thương hiệu bác sĩ giỏi phải gắn với bệnh viện công, do đó nên tạo điều kiện cho họ làm để góp phần giảm tải cho tuyến trên.

Cũng theo đồng chí Đinh La Thăng, tiến độ các dự án đường sắt đô thị hiện rất chậm vì vẫn đang đợi  phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư. Với tình trạng này thì không biết đến bao giờ mới xong. Phải có cơ chế cho phép TPHCM chịu trách nhiệm để đẩy nhanh tiến độ, càng để lâu thì càng lên giá, càng chậm tiến độ, hàng ngày nhiều tỷ đồng mất đi.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng. Ảnh: Lã Anh

Phản hồi lại ý kiến của Bí thư Thành ủy TPHCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ATTP là vấn đề sức khỏe, tính mạng của người dân, là vấn đề đạo đức xã hội. “Các quy định đầy đủ, trách nhiệm rất rõ ràng, vậy tại sao không giải quyết được. Chưa nói đến vấn đề phối hợp, chỉ cần các bộ làm tốt phần việc của mình thì đã là sự phối hợp tốt. Cần khắc phục tình trạng khi không làm được thì đổ lỗi cho nhau”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, phải xác định rõ chính sách là do bộ ban hành, còn thực thi trên địa bàn là trách nhiệm của các địa phương. Ví dụ, thí điểm 1 cơ quan chuyên trách về ATTP ở TPHCM là việc hoàn toàn chủ động của TP.

Cũng theo Phó Thủ tướng, giải quyết vấn đề ATTP, cần đẩy mạnh việc giám sát, xử lý ở mức nghiêm nhất. Ở đâu sai phạm, xử nghiêm ở đó, không nhân nhượng.  Quan trọng hơn là vận động, tuyên truyền cho người dân, người sản xuất hiểu để không hại mình hại người. Phó Thủ tướng cho biết, tới đây Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ có chương trình chuyên đề tuyên truyền mạnh vấn đề này.

Về các kiến nghị của đồng chí Đinh La Thăng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình cần đẩy mạnh tự chủ y tế gắn với xã hội hóa. “Nhiều  bệnh viện tư nhân khang trang nhưng không có bệnh nhân, vậy phải tính cơ chế phối hợp thế nào? Cho phép hợp tác bệnh viện công –tư, cho bác sĩ làm thêm ngoài giờ, đều đã có quy định hết rồi. Vấn đề này cần tiếp tục bàn để làm tốt”, Thủ tướng nêu.

Về ATTP, Thủ tướng cho biết “rất sốt ruột”: Cơ chế, chính sách, bộ máy chúng ta có hết rồi, vấn đề là phối hợp nhau để làm cho tốt. Y tế không thể làm thay nông nghiệp, quản lý thị trường không thể làm thay y tế mà phải có sự phối hợp để làm thật hiệu quả.

Về việc chậm tiến độ dự án đường sắt đô thị, Thủ tướng đặt câu hỏi: tại sao  vướng mắc mà không báo cáo? Phải báo cáo thường xuyên để gỡ. Dự án dừng lại vì vướng điều chỉnh tổng mức đầu tư thì phải sớm trình lên, cái gì thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ quyết, vượt thẩm quyền thì báo cáo Quốc hội. Tinh thần là phải quyết liệt đôn đốc, gỡ vướng mắc để làm.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục