Kiến nghị được chuyển nhượng dự án sau khi giải phóng mặt bằng

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Trong đó, HoREA kiến nghị cho phép được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án nhà ở kể từ thời điểm đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, tạo lập quỹ đất dự án.

HoREA lý giải có kiến nghị trên là do các quy định hiện hành của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) chưa phù hợp thực tiễn và chưa đảm bảo tính thông thoáng như quy định của Luật Đầu tư. Luật Đất đai quy định việc chuyển nhượng chỉ thực hiện sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không phù hợp với Nghị quyết 42 của Quốc hội và quy định của Luật Đầu tư.

Theo HoREA, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng một phần dự án BĐS đang là điểm nghẽn của thị trường BĐS cần được xem xét, giải quyết. Ách tắc trong công tác chuyển nhượng dự án, một phần dự án có nguyên nhân do quy định điều kiện chuyển nhượng phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án.

Chuyển nhượng dự án BĐS, chuyển nhượng một phần dự án BĐS là hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhận chuyển nhượng có quyền và nghĩa vụ kế thừa tất cả các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp chuyển nhượng, kể cả nghĩa vụ đối với bên thứ ba trong quá trình tiếp tục thực hiện dự án.

Trong khi đó, Điều 45 Luật Đầu tư quy định về chuyển nhượng dự án đầu tư (không phải dự án đầu tư BĐS) rất thông thoáng, coi chuyển nhượng dự án là hoạt động kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp.

Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu, quy định các điều kiện xử lý tài sản bảo đảm là dự án BĐS “có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.

Với điều kiện này, có thể dự án đó đã có giấy chứng nhận, hoặc chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tin cùng chuyên mục