Kiến nghị gỡ khó cho giáo dục mầm non

“Từ đầu năm 2011 đến nay toàn TPHCM đã có 422 giáo viên mầm non nghỉ việc…”, đây là con số mới nhất mà Sở GD-ĐT TPHCM báo cáo tại buổi làm việc với HĐND TPHCM hôm qua 15-10. Tại buổi làm việc, nhiều khó khăn của bậc học mầm non tiếp tục được đưa ra mổ xẻ, đồng thời các trường tha thiết kiến nghị TP nhanh chóng có giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho bậc học này.
Kiến nghị gỡ khó cho giáo dục mầm non

“Từ đầu năm 2011 đến nay toàn TPHCM đã có 422 giáo viên mầm non nghỉ việc…”, đây là con số mới nhất mà Sở GD-ĐT TPHCM báo cáo tại buổi làm việc với HĐND TPHCM hôm qua 15-10. Tại buổi làm việc, nhiều khó khăn của bậc học mầm non tiếp tục được đưa ra mổ xẻ, đồng thời các trường tha thiết kiến nghị TP nhanh chóng có giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho bậc học này.

  • Bức xúc tình trạng giáo viên nghỉ việc

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: TP hiện nay còn thiếu 24 cán bộ quản lý và 783 giáo viên. Trong khi đó, từ đầu năm học đến nay có 422 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nghỉ việc.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thị Kim Thanh cho biết, giáo viên mầm non có thu nhập quá thấp (tổng thu nhập từ 1,8 - 2,4 triệu đồng/người/tháng nhưng thời gian lao động dài hơn 12 tiếng (từ 6 giờ 30 đến 18 giờ), cường độ lao động quá tải, hoàn cảnh gia đình khó khăn...

Nhiều giáo viên xin nghỉ việc để chuyển sang dạy trường tư thục có thu nhập cao hơn. Nhân viên như bảo mẫu, cấp dưỡng, bảo vệ... tổng thu nhập chỉ từ 1,2 - 1,4 triệu/người/tháng) nên rất khó tuyển dụng.

Các cháu ở Trường Mầm non Khánh Hội quận 4 vui chơi trong khuôn viên trường. Ảnh: MAI HẢI

Các cháu ở Trường Mầm non Khánh Hội quận 4 vui chơi trong khuôn viên trường. Ảnh: MAI HẢI

Ở góc độ quận huyện, bà Chung Thị Bích Phượng, Phó trưởng phòng Giáo dục quận Tân Phú cũng chia sẻ: “Không chỉ có đời sống giáo viên khó khăn, mà ở quận Tân Phú tình trạng cơ sở vật chất cũng chồng chất cái khó, nhất là việc triển khai thực hiện đề án phổ cập trẻ 5 tuổi. Quận vẫn còn 3 phường chưa có trường mầm non công lập nên tỷ lệ phổ cập đến nay chỉ đạt 73,6%, thấp nhất trong TP”.

Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Bích Nga, Phó phòng Giáo dục huyện Nhà Bè, nói: “Hậu của việc thiếu trường lớp công lập hiện nay đã dẫn tới tình trạng thiếu công bằng cho trẻ. Nhiều năm nay, trường công do nhà nước đầu tư không đáp ứng được nhu cầu nên chủ yếu là nơi giải quyết gởi gắm của con em cán bộ viên chức, những gia đình có điều kiện. Trong khi đó vẫn còn rất nhiều trẻ trong gia đình khó khăn phải gửi con ở các trường ngoài công lập. Chúng tôi rất băn khoăn bởi nhiều phụ huynh khó khăn phải gánh hết từ học phí, tiền ăn nhưng con trẻ vẫn phải gởi ở những cơ sở ngoài công lập chất lượng chưa đảm bảo. Vì vậy, để đảm bảo công bằng cho trẻ, chúng tôi kiến nghị Nhà nước cần phải chia sẻ đầu tư ngân sách cho các cháu học ở các trường, cơ sở mầm non ngoài công lập chứ không nên để phụ huynh gánh hết, cũng như con trẻ phải chịu khổ sở khi không được hưởng một chất lượng giáo dục như nhau”.

  • Kiến nghị tăng các khoản thu dịch vụ

Một trong những vấn đề được nhiều đơn vị phản ánh, mổ xẻ tại cuộc họp là cơ chế thu chi quá thấp, đời sống của giáo viên mầm non không được đảm bảo dẫn đến giáo viên bỏ việc, thiếu hụt nhân sự ở các trường. Đa số đại biểu HĐND TP đều chia sẻ với những khó khăn của giáo dục mầm non và lo lắng trước tình trạng chính sách không thu hút được người vào học ngành sư phạm mầm non nên đầu vào càng dở.

Các cháu ở Trường Mầm non dân lập Hoàng Mai 1 quận 8 trong giờ chơi lắp ráp. Ảnh: MAI HẢI

Các cháu ở Trường Mầm non dân lập Hoàng Mai 1 quận 8 trong giờ chơi lắp ráp. Ảnh: MAI HẢI

Một vấn đề liên quan đến việc xây dựng trường lớp ở các quận huyện quá chậm, thiếu sáng tạo cũng được ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, bức xúc: “Vừa qua chúng tôi đã đến khảo sát tại một số trường, vẫn còn tình trạng trường học xây mới mà không có bếp ăn. Để xảy ra tình trạng này đáng lẽ cần phải cách chức Ban quản lý dự án vì không biết xử lý linh động và mềm dẻo trong công tác xây dựng để cô và trò cùng cảnh khổ. Sắp tới việc xây trường lớp ngành giáo dục cần phải được tham gia góp ý thiết kế xây dựng trường”.

Tại cuộc họp, ngành giáo dục kiến nghị HĐND TPHCM thông qua mức thu mới (thực tế mức thu hiện nay được ban hành từ năm 1996): Tiền công phục vụ bán trú: từ 30.000 đồng (ngoại thành) - 50.000 đồng/HS/tháng (nội thành), tăng lên 150.000 - 200.000 đồng/HS/tháng. Tiền vệ sinh phí: từ 3.000 đồng (ngoại thành) - 5.000 đồng/cháu/tháng (nội thành), đề nghị tăng từ 15.000 đồng - 20.000 đồng/cháu/tháng.

Đồng thời đẩy mạnh tiến độ xây trường mầm non công lập tại các phường - xã chưa có trường mầm non, xóa điểm lẻ và xây thêm trường mầm non tại các khu công nghiệp và khu nhà lưu trú công nhân.

Với các trường mầm non tư thục, Nhà nước nên có sự hỗ trợ về chính sách thuế, thủ tục đất đai... giúp các cơ sở tư thục phát triển, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị ngành giáo dục phân tích các khoản thu nếu tăng được thì sẽ chi như thế nào cho trẻ và ý kiến của phụ huynh như thế nào để HĐND TPHCM có cơ sở chấp thuận giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho giáo dục mầm non của TP.

TPHCM hiện còn 13 phường chưa có trường mầm non công lập: phường 5 (quận 4), phường 8 (quận 6), phường Tân Sơn Nhì, Phú Thạnh, Hòa Thạnh (Tân Phú), phường Bình Trị Đông, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân), phường 6, 11, 12 (quận Gò Vấp), phường Linh Tây (quận Thủ Đức), phường 13 (Phú Nhuận). Còn 7 quận, huyện chưa có trường chuyên biệt: quận 4, 7, 9, Thủ Đức, Bình Tân, Hóc Môn, Nhà Bè.

LÊ LINH

Tin cùng chuyên mục