Kiến nghị Quốc hội: Cần bỏ nghịch lý xin quyền

Tuần trước, Quốc hội đã có một buổi thảo luận rất sôi nổi về cải cách hành chính, với nhiều ý kiến thẳng thắn nêu lên những bất cập của công tác này ở nước ta, đặc biệt là những tiêu cực phát sinh trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính khiến dư luận bức xúc. Giữa nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội kể lại bản thân mình cũng là nạn nhân của thủ tục hành chính rườm rà và bị viên chức các cơ quan hành chính cửa quyền, sách nhiễu, phải biếu “phong bì” mới xong việc.

Tuần trước, Quốc hội đã có một buổi thảo luận rất sôi nổi về cải cách hành chính, với nhiều ý kiến thẳng thắn nêu lên những bất cập của công tác này ở nước ta, đặc biệt là những tiêu cực phát sinh trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính khiến dư luận bức xúc. Giữa nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội kể lại bản thân mình cũng là nạn nhân của thủ tục hành chính rườm rà và bị viên chức các cơ quan hành chính cửa quyền, sách nhiễu, phải biếu “phong bì” mới xong việc.

Chúng ta đều biết, muốn cải cách hành chính, hạn chế tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch bộ máy Nhà nước thì trước hết phải xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. Quan điểm này đã được Đảng, Nhà nước đề cập nhiều và đang quyết tâm thực hiện. Thế nhưng thực tế cho thấy, những nỗ lực cải cách hành chính, bỏ cơ chế “xin - cho” vẫn khó đạt hiệu quả do nhiều nguyên nhân, trong đó có một sự rất vô lý là: Những đề đạt của công dân, doanh nghiệp và các tổ chức cấp dưới gửi các cơ quan hành chính luôn bắt đầu bằng hai chữ “Đơn xin...”!

Pháp luật nước ta đã quy định rất rõ những quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân và các tổ chức. Đã là quyền thì tất yếu được hưởng; là nghĩa vụ, trách nhiệm thì tất yếu phải làm. Thật vô lý, lâu nay người dân và các tổ chức cấp dưới vẫn phải đi xin quyền của mình bằng những cái “đơn xin”, như: Đơn xin đăng ký khai sinh, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xin đăng ký kinh doanh, xin bổ sung kinh phí...

Lẽ thường, đã có “xin” thì ắt có “cho” hoặc “không cho”. Những tổ chức, cá nhân có thẩm quyền lẽ ra phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình là thay mặt Nhà nước bảo đảm các quyền cho người dân, doanh nghiệp và cấp dưới thì lại nghiễm nhiên được quyền “ban ơn”: cho hay không cho; cho nhiều, cho ít hoặc cho lúc nào... Chính sự vô lý này là nguyên nhân cơ bản hình thành nếp nghĩ, thói quen quản lý và thi hành công vụ theo cơ chế xin – cho, dẫn đến tác phong làm việc trì trệ, hành dân, nhũng nhiễu, tiêu cực của nhiều cán bộ, công chức. Ngược lại, khi viết “đơn xin” là người dân, doanh nghiệp và các tổ chức cấp dưới đã tự thấy mình lép vế, phải nhờ vả, chạy chọt...

Mong rằng ngay kỳ họp này, khi thông qua nghị quyết về giám sát chuyên đề cải cách thủ tục hành chính, Quốc hội sẽ nghiêm túc xem xét đề xuất bãi bỏ các loại “đơn xin” (thay bằng “đơn đề nghị” hoặc “yêu cầu giải quyết”) để bảo đảm sự dân chủ, bình đẳng giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan công quyền. Làm như vậy sẽ thiết thực gỡ được những rườm rà, vướng mắc trong cải cách hành chính và góp phần hạn chế tham nhũng, tiêu cực. 

HUY QUANG
(7 Phan Đình Phùng, Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục