Kiến nghị Quốc hội giám sát tối cao về tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông

• 75% diện tích rừng tự nhiên của nước ta là rừng nghèo
Kiến nghị Quốc hội giám sát tối cao về tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông

• 75% diện tích rừng tự nhiên của nước ta là rừng nghèo

(SGGPO).- Trong phiên họp Quốc hội sáng nay, 31-10, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012. Theo đó, đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm. Hội đồng Dân tộc giám sát từ 2 đến 3 chuyên đề; các ủy ban mỗi ủy ban giám sát từ 1 đến 2 chuyên đề; báo cáo kết quả với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 3 chuyên đề để Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề giám sát. Đó là “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật để giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai trong lĩnh vực hành chính” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội”.

Thảo luận tại hội trường về vấn đề này, nhiều đại biểu tán thành Quốc hội giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, với chuyên đề giám sát thứ 2, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) chưa đồng tình với 2 chuyên đề còn lại mà đề nghị Quốc hội có chuyên đề giám sát về hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đại biểu Hùng nhận định: “Đây là vấn đề đã đề ra từ lâu, nhưng tình hình ít chuyển biến, mà chỉ có Quốc hội mới có thể thực hiện được việc giám sát”. 

Cũng thống nhất với chuyên đề giám sát về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, song các đại biểu Lê Thị Nga (đại biểu Thái Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội), Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đề nghị Quốc hội tập trung giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao thông nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông.

“Trong 3 khóa gần đây Quốc hội chưa giám sát tối cao về giao thông, chỉ có một cuộc do Ủy ban Quốc phòng và an ninh tiến hành và một cuộc gần nhất là giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2008. Tuy nhiên, giám sát ở cấp ủy ban có những hạn chế nhất định, không thể có tác động sâu rộng như giám sát của Quốc hội. Bộ trưởng Giao thông cũng đã chính thức đề nghị Quốc hội thực hiện giám sát về vấn đề này”, bà Nga phát biểu.

Ùn ứ xe gắn máy trên đường Cộng Hòa - TPHCM. Ảnh: Đức Trí

Ùn ứ xe gắn máy trên đường Cộng Hòa - TPHCM. Ảnh: Đức Trí

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998 – 2010. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà đã trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường về vấn đề này.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường thống nhất với nhận định của Chính phủ cho rằng, dự án đã tạo sự chuyển biến lớn trong nhận thức về hiệu quả kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường. Ý thức trách nhiệm về bảo vệ, phát triển rừng của các địa phương và người dân đã có bước chuyển biến rõ rệt. Công tác quản lý, bảo vệ rừng đã đạt những kết quả đáng kể: độ che phủ rừng tăng dần qua các năm, từ 32% (năm 1998) lên 37,1% (năm 2005) và 39,5% (năm 2010); bước đầu hình thành vùng vùng nguyên liệu cho sự phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, huy động được nguồn vốn của toàn xã hội cho công tác trồng mới và bảo vệ rừng; góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống cho một bộ phận dân cư…

Nhìn chung, đến cuối năm 2010, hầu hết các chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch của Dự án đều đạt và vượt so với Nghị quyết của Quốc hội. Số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng có xu hướng giảm: năm 2010 giảm 46% so với năm 1998.

Tuy nhiên, Dự án cũng còn nhiều hạn chế. Việc tổ chức thực hiện Dự án trong giai đoạn 1998 – 2005 còn nhiều lúng túng. Công tác lập quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch đất lâm nghiệp và quy hoạch 3 loại rừng còn chậm, bộc lộ nhiều hạn chế.

Việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp thực hiện chưa tốt; mức giao đất lâm nghiệp bình quân chỉ khoảng 5-6ha/ hộ, chưa đủ để người dân có thu nhập chủ yếu từ rừng. Việc cho thuê đất lâm nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài còn có nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Độ che phủ rừng vẫn còn thấp so với yêu cầu đặt ra (39,5% so với chỉ tiêu trên 40%) và không đồng đều; chất lượng, trữ lượng rừng chưa cao; khả năng cung cấp gỗ của rừng còn thấp (có tới 80% nguyên liệu gỗ phải nhập khẩu). Phần lớn diện tích rừng tự nhiên là rừng nghèo, rừng phục hồi, rừng hỗn giao (chiếm tới 75%), rừng giàu và trung  bình chỉ đạt 25%. Tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép, cháy rừng, xâm lấn rừng, chống người thi hành công vụ vẫn xảy ra nghiêm trọng tại một số địa phương…

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường nêu kiến nghị với Quốc hội cho phép Chính phủ trong giai đoạn 2011 – 2020 triển khai việc bảo vệ và phát triển rừng theo cơ chế Chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời kết thúc việc hàng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

Ủy ban cũng yêu cầu Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện dự án, ổn định quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, có giải pháp hợp lý đối với phần diện tích đã cho nhà đầu tư nước ngoài thuê trồng rừng. Đặc biệt, Chính phủ cần có giải pháp tổng thể để giải quyết tình trạng chặt phá rừng, chặt phá rừng trái pháp luật, ban hành cơ chế bảo hiểm hoặc quỹ dự phòng rủi ro đối với rừng sản xuất… 

Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung này vào ngày 1-11 và tại phiên họp toàn thể vào ngày 10-11. 

* Qua thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, đến năm 2010, tổng diện tích rừng tăng lên đạt xấp xỉ 13,4 triệu ha. Diện tích rừng mất đi do vi phạm lâm luật tuy vẫn còn lớn, nhưng đã giảm đáng kể: năm 1998 là 18.377 ha; năm 2005 là 13.942 ha thì đến năm 2010 chỉ còn 7.415 ha. Hàng năm Dự án đã dành khoảng 150 – 200 tỷ đồng để khoán bảo vệ khoảng hơn 2 triệu ha rừng tập trung tại các địa bàn cần ưu tiên.

* Mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011- 2020:  tăng độ che phủ rừng lên 42 – 43% vào năm 2015 và 44 – 45% vào năm 2020. Phấn đấu đưa GDP của ngành lâm nghiệp đạt 2% vào năm 2015 và 3% GDP của quốc gia vào năm 2020.

(Theo Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng)

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục