Kiến nghị tăng mức cho vay lên trên 1 triệu đồng/tháng/học sinh-sinh viên

(SGGPO). – Thống kê của Bộ Giáo dục - Đào tạo cho hay, tính đến 30-9-2010, chương trình tín dụng ưu đãi đối với Học sinh - Sinh viên đã tạo điều kiện cho gần 1,9 triệu Học sinh - Sinh viên của 1.709.000 hộ gia đình vay với số dư nợ là 23.736 tỷ đồng. Đặc biệt, sau khi có điều chỉnh khung học phí trong các trường Đại học - Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy, Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh mức cho vay tối đa từ 800.000đồng/học sinh-sinh viên/tháng lên 860.000 đồng/học sinh-sinh viên/tháng, và vừa qua đã tiếp tục điều chỉnh lên mức tối đa cho vay là 900.000đ/học sinh-sinh viên/tháng.

Ngoài ra, chính sách học bổng cũng đã được Chính phủ điều chỉnh quy định mức học bổng được nâng lên 580.000 đồng/tháng và mức này được điều chỉnh khi mức lương tối thiểu tăng lên (bằng 80% mức lương tối thiểu).

Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng cho hay, đồng thời với chính sách này, học bổng khuyến khích học tập trước đây đối với học sinh - sinh viên chỉ được hưởng phần thưởng khuyến khích bằng 40%, nay cũng được điều chỉnh lên 100% như những học sinh - sinh viên khác. Do vậy, nếu đạt mức học bổng khuyến khích học tập thì học sinh - sinh viên khó khăn cũng như những học sinh - sinh viên khác có đủ tiền đóng học phí.

Với mức học bổng này đã cơ bản hỗ trợ được nhu cầu tối thiểu giúp học sinh - sinh viên ổn định học tập và đang được các trường triển khai. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã có nhiều chế độ chính sách hỗ trợ khác trợ cấp cho học sinh - sinh viên như: trợ cấp xã hội, miễn giảm học phí cho các học sinh - sinh viên là người dân tộc ít người, mồ côi cả cha lẫn mẹ, người tàn tật...

Hiện nay, nhu cầu vay vốn của học sinh - sinh viên vẫn tiếp tục tăng cao, trong khi nguồn vốn cho vay bị hạn chế nên dẫn tới nhiều thời điểm ngân hàng đã không đáp ứng kịp thời nhu cầu vay. Nhiều địa phương kiến nghị để giúp học sinh - sinh viên thuộc các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đủ tiền để trang trải chi phí và yên tâm học tập, cần có chế độ, chính sách tín dụng mang tính đặc thù.

Cụ thể như  Chính phủ cần điều chỉnh chính sách tín dụng đối với học sinh - sinh viên thuộc dân tộc ít người, các hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn; miễn học phí, các khoản đóng góp đầu tư xây dựng cơ bản, các khoản lệ phí đối với các em học sinh tiểu học để tạo cơ hội cho con em dân tộc được đến trường.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần ban hành quy định mới về trợ cấp xã hội đối với HS-SV cho phù hợp với tình hình hiện nay. Các địa phương cũng kiến nghị tăng mức cho vay lên trên 1 triệu đồng/tháng/học sinh - sinh viên ;học sinh - sinh viên được ở ký túc xá miễn phí trong thời gian học tập...

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục