Kiên quyết chấm dứt kinh doanh cà phê đường tàu tại Hà Nội

Tại cuộc họp giữa Cục Đường sắt Việt Nam và chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý vẫn giữ quan điểm không cho phép người dân tiếp tục kinh doanh cà phê đường tàu tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. 
Cà phê đường tàu khu vực quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Cà phê đường tàu khu vực quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Thông tin từ cuộc họp cho biết, tại khu vực cà phê đường tàu thuộc địa bàn phường Hàng Bông hiện có 51 hộ dân với 251 nhân khẩu đang sinh sống, trong đó có 15 hộ kinh doanh cà phê, giải khát (4 hộ có đăng ký kinh doanh).

Còn tại phường Cửa Đông, khu vực cà phê đường tàu có 41 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu, trong đó, có 7 hộ kinh doanh (2 hộ có giấy phép).

Theo quy định hiện hành, tất cả các hộ kinh doanh này đều nằm trong hành lang đường sắt, vi phạm pháp luật. Do đó, chính quyền phường sở tại đã rút giấy phép đăng ký kinh doanh với những hộ có giấy phép và yêu cầu đóng cửa toàn bộ các hộ kinh doanh.

Đồng thời, để tránh tái diễn vi phạm, chính quyền phường đã tổ chức lực lượng cắm chốt trực tại các vị trí, ngăn chặn, tuyên truyền để khách du lịch không đi vào khu vực cấm; lắp camera giám sát tại các lối ngõ có thông ra đường tàu.

Tuy nhiên, các hộ dân tại khu vực này đã có đơn gửi phường và các cấp kiến nghị các giải pháp để vừa kinh doanh vừa đảm bảo an toàn.

Tại cuộc họp, chính quyền phường Hàng Bông và Cửa Đông đã bày tỏ quan điểm không đánh đổi an toàn của người dân. Các đề xuất về đảm bảo an toàn mà các hộ dân đưa ra rất khó thực hiện, do khoảng cách từ đường sắt đến các hộ dân rất hẹp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao.

Đại diện địa phương cũng cho rằng, các công trình nhà ở của các hộ dân tại khu vực này nằm trong hành lang đường sắt là tồn tại lịch sử, chưa thể xử lý được, nhưng không được để các hoạt động vi phạm pháp luật đường sắt mới phát sinh.

Về giải pháp căn cơ xử lý dứt điểm vi phạm hành lang đường sắt tại khu vực, các địa phương kiến nghị Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi qua khu vực này để giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân đến nơi mới.

Đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cũng đồng thuận quan điểm thượng tôn pháp luật, với mục tiêu đảm bảo an toàn của người dân, người tham gia giao thông là trên hết. Bên cạnh đó, nếu chấp thuận cho tiếp tục kinh doanh cà phê đường tàu thì không thể xử lý các vi trí tương tự trên toàn bộ hệ thống đường sắt.

Trước đó, khu vực này thu hút nhiều du khách, trong đó có cả du khách nước ngoài tụ tập tại các quán cà phê sát đường tàu để chụp ảnh, quay phim, đã có trường hợp một du khách nước ngoài bị thương do va chạm với đoàn tàu.

Tin cùng chuyên mục