Kiên quyết giải quyết yếu kém trong quản lý đất đai của các nông, lâm trường

Sáng 22-9, tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe Đoàn giám sát báo cáo; Chính phủ báo cáo (bổ sung) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014.
Kiên quyết giải quyết yếu kém trong quản lý đất đai của các nông, lâm trường

(SGGPO).- Sáng 22-9, tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe Đoàn giám sát báo cáo; Chính phủ báo cáo (bổ sung) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014.

Sau khi thảo luận, UBTVQH đã nhất trí trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về vấn đề này để giải quyết căn cơ tình trạng yếu kém lâu nay trong quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường.

Theo báo cáo của Chính phủ (số 314/BC-CP, ngày 25-6-2015), cả nước có 642 nông, lâm trường, đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích 7.599.580ha, chiếm 90% tổng diện tích đất đang sử dụng. Trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho biết, mặc dù đã được UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh, phương án sử dụng đất, kế hoạch, yêu cầu thực hiện giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng sau chuyển đổi; nhưng thực tế giám sát cho thấy, bản chất việc quản lý, sử dụng đất đai, các phương án, hình thức quản lý, sử dụng đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng hầu như không thay đổi. Việc chuyển đổi mô hình công ty mới chỉ dừng lại trên đề án. Các công ty nông, lâm nghiệp mới chỉ chuyển đổi tên, chưa thực sự thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, sử dụng đất đai theo các quy định hiện hành của luật pháp và theo phương án quản lý, sử dụng đất tại các đề án đã được phê duyệt.

Vẫn theo ông Ksor Phước, công tác đo đạc bản đồ, xác định ranh giới, mốc giới sử dụng cũng không được tiến hành hiệu quả. Đến nay, phần lớn các công ty nông, lâm nghiệp ở các địa phương chưa thực hiện việc rà soát, đo đạc xác định, cắm mốc giới đất đai để làm thủ tục thực hiện chính sách theo quy định của luật pháp về giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trừ các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Hòa Bình, Tuyên Quang).

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhận định: “Điều này thể hiện việc chấp hành các quy định của pháp luật về chính sách đất đai, chính sách tài chính đất đai và hoạt động của các cấp quản lý và doanh nghiệp nông, lâm nghiệp chưa nghiêm”.

Góp ý vào Báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị Quốc hội xem xét, dành một khoản kinh phí thỏa đáng để xác định lại đất đai của nông, lâm trường.

“Đo đạc xong thì phân loại, chỗ nào giao rồi, sử dụng lâu, có hiệu quả kinh tế thì giao ổn định cho người dân, đơn vị; chỗ nào sử dụng không hiệu quả thì kiên quyết thu hồi để giao cho các đơn khác vị sử dụng hiệu quả hơn. Việc quan trọng là phải tổ chứ lại quan hệ sản xuất và phương thức sản xuất. Chỉ khi nào giao đất, giao rừng có chủ và gắn với trách nhiệm mới có thể thực hiện được mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc, thúc đẩy kinh tế, cải thiện đời sống người dân”, ông Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm.
Tán thành quan điểm của Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhấn mạnh: Cần kiên quyết trong việc quản lý các nông, lâm trường và phải làm sớm, không thể để tồn tại mãi nghịch lý các nông, lâm trường “ôm” nhiều đất nhưng khai thác, sử dụng không hiệu quả, trong khi người dân ngay tại địa phương có nông, lâm trường thì lại thiếu đất sản xuất.

“Nhà nước nên xem chính sách phát triển rừng, trồng rừng cũng quan trọng như chính sách đối với cây lúa”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhận xét và kiến nghị nghiên cứu thay đổi mô hình quản lý nông, lâm trường hiện nay… 

 Số đơn vị thực hiện đúng các quy định về thuê đất, hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất rất ít. Mới có 112 nông, lâm trường đã thực hiện chuyển sang thuê đất, với diện tích 472.709ha; trong đó có 4 nông trường  với diện tích 56.045ha và 48 lâm trường, diện tích 416.664ha. Có 4 nông, lâm trường chuyển sang hình thức giao đất có thu tiền, với diện tích 2.029ha .
                    (Trích Báo cáo của Đoàn giám sát tại phiên họp)


ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục