Kiên quyết xử lý các dự án kéo dài, ảnh hưởng cuộc sống người dân

- ĐB NGUYỄN VĂN ĐẠT:
Kiên quyết xử lý các dự án kéo dài, ảnh hưởng cuộc sống người dân

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong:

Chiều ngày 8-12, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đăng đàn trả lời chất vấn. Dưới đây là nội dung một số chất vấn và trả lời chất vấn:

- ĐB NGUYỄN VĂN ĐẠT: Chủ đầu tư chậm triển khai dự án, TP xử lý thế nào?

* Chủ tịch UBND TPHCM NGUYỄN THÀNH PHONG: Có thể nói các dự án đang triển khai trên địa bàn TP, có dự án đúng tiến độ, đạt kết quả tốt, có dự án tiến hành chậm. TP còn hơn 500 dự án “treo”. Quan điểm của UBND TPHCM là không chấp nhận các dự án đã được cấp phép mà triển khai chậm, kéo dài, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Chúng tôi đã kiểm tra, xử lý nhiều dự án cụ thể và từ đó cũng nhận thấy, người dân đã bị ảnh hưởng rất lớn, công chuyện làm ăn, xây cất không được thuận lợi. UBND TPHCM đã giao cho cơ quan chức năng xử lý đối với các dự án kéo dài. Việc này TP có thái độ hết sức kiên quyết, rõ ràng: nếu dự án không triển khai được thì phải thu hồi. Lãnh đạo TP rất nhức nhối với các dự án kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Chúng tôi cam kết sẽ xử lý quyết liệt.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong

- ĐB HUỲNH ĐĂNG LINH: Công cụ phương tiện đánh giá, đo lường chất lượng thực phẩm còn rất thô sơ, kiểm tra ở chợ đầu mối có khi 5 ngày sau mới có kết quả. Thực phẩm tiêu thụ trong ngày mà 5 ngày sau mới rõ kết quả thì rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Giải pháp của TP?

* An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề hết sức bức xúc của người dân TP. Đây là mong mỏi của người dân, làm sao có thực phẩm sạch, an toàn đến từng bữa ăn. Và đó là trách nhiệm của lãnh đạo TP. UBND TPHCM đã có đề án thành lập thí điểm Ban An toàn vệ sinh thực phẩm trên cơ sở hợp nhất một số bộ phận hiện nay ở các ngành nông nghiệp, y tế, công thương… TP đã thành lập 1 trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm, hiện thuộc Sở Y tế TPHCM để phục vụ cho việc kiểm nghiệm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi Ban An toàn vệ sinh thực phẩm thành lập, trung tâm sẽ chuyển về ban này. Với đội ngũ chuyên gia, chuyên viên rất có khả năng, có thể chúng ta sẽ thực hiện có kết quả.

- ĐB NGUYỄN NGỌC QUẾ TRÂN: Kế hoạch của TP đầu tư các công trình văn hóa phục vụ nhân dân và du khách, xứng tầm với một đô thị văn minh hiện đại?

* Đây là câu hỏi hay! Chúng ta phấn đấu trở thành TP trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại của khu vực nhưng nhìn lại về mặt đời sống của người dân, nhiều mặt chất lượng còn thấp.

Kể từ ngày thống nhất, TP đã có 41 năm xây dựng và phát triển, thử điểm lại 41 năm qua có thêm bao nhiêu công trình đáp ứng nhu cầu văn hóa của người dân? Tiếp xúc cử tri, cử tri cũng đặt câu hỏi này và vấn đề đã chạm đến một tình cảm hết sức nhức nhối của Chủ tịch UBND TPHCM. Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM điểm lại, 40 năm qua, TP chỉ xây dựng được 1 công trình văn hóa là Nhà hát Hòa Bình, còn trung tâm ca nhạc nhẹ, nhà hát giao hưởng vẫn là… dự án trên giấy. Vì thế, dứt khoát trong nhiệm kỳ này, TP phải hoàn thành 4 công trình văn hóa: nhà hát giao hưởng, trung tâm ca nhạc nhẹ, sân khấu tuồng và nhà biểu diễn xiếc. Tôi ghi nhận câu chất vấn như một lời đề nghị thiết tha. Tôi khẳng định, dầu khó khăn mức độ nào, thì sự đầu tư phát triển các cơ sở văn hóa, an sinh xã hội, giáo dục, y tế vẫn được bảo đảm.

- ĐB NGUYỄN THỊ TỐ TRÂM: TP đưa ra mốc giải quyết xe dù bến cóc trước ngày 31-12. Nếu sau ngày 31-12, xe dù bến cóc vẫn tồn tại thì UBND TPHCM xử lý đơn vị có trách nhiệm giải quyết tình trạng này ra sao?

* Tôi đã nhiều lần có ý kiến để giải quyết việc này. Không phải hôm nay đại biểu nêu lên tôi mới nhận thức được điều đó. Thời gian qua, tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn về tình trạng xe dù bến cóc. Mỗi tin báo, tôi đều gọi điện cho Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM chỉ đạo xử lý và cuối năm nay sẽ xong.

- Chủ tịch HĐND TPHCM NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM: Đồng chí Chủ tịch UBND TPHCM trả lời còn sót ý nhỏ: nếu đến thời hạn cuối cùng 31-12 vẫn còn bến cóc xe dù, đồng chí xử lý người có trách nhiệm được giao như thế nào?

* Hết tháng 12-2016 việc này phải xong. Còn trường hợp cụ thể, bây giờ tôi không thể nói trước được vì tới lúc đó phải dựa trên tình hình thực tế, xem trách nhiệm những người liên quan thế nào. Xử lý sao để người ta thấy thỏa đáng và phục. Bây giờ trả lời ở đây thì duy ý chí quá. Nhưng tôi hứa sẽ xử lý thỏa đáng.

- ĐB PHAN THỊ HỒNG XUÂN: TP có chương trình TP khởi nghiệp, khoảng 200 dự án đã gửi tới. Có dự án nào khả thi, hứa hẹn mang lại dấu ấn? Về du lịch khám chữa bệnh, TP có thể đi theo mô hình của Singapore, Thái Lan là thu hút khách nước ngoài đến TPHCM khám chữa bệnh?

* Giờ đây đi đâu cũng nói khởi nghiệp. TP có ngân sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp chứ không phải mang tiền đó hỗ trợ dự án. Nói khởi nghiệp thì phải chấp nhận thành công và cả rủi ro. Thông thường, có nhiều dự án khởi nghiệp nhưng tỷ lệ thành công là rất thấp. Song, dự án nào thành công thì phát triển rất mạnh. Thành ra, riêng vấn đề này, TP sẽ thống nhất một đầu mối để chỉ đạo. Tôi sẽ có cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp đã đạt thành tựu nhất định để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của TP.

Khởi nghiệp thì hay nói đến “bắt đầu nhỏ, suy nghĩ lớn - suy nghĩ toàn cầu và phát triển nhanh” và tất cả chỉ có được ở đội ngũ mạnh. Israel khởi nghiệp thành công bởi luôn luôn có tầm nhìn toàn cầu. Với chúng ta, nếu chúng ta cứ nghĩ quanh quẩn trong đất nước Việt Nam này thì không thể tiến xa, tiến vượt được. Chẳng hạn với Co.op Mart, một thương hiệu bán lẻ hàng đầu ở Việt Nam và đang vươn đến 100 cơ sở bán lẻ, nhưng vẫn còn quanh quẩn ở đất nước này. Tôi đã đặt hàng với Co.op Mart, tại sao không có tầm nhìn thành tên tuổi lớn của khu vực Đông Nam Á? Có gì ngăn cản điều đó không? Rõ ràng là không. Vấn đề còn lại là tầm nhìn và quyết tâm. Nếu quyết tâm đủ, thì cái gì ta cũng có thể vượt qua được.

Về các loại hình du lịch, chúng ta xác định du lịch ở TP có nhiều tiềm năng, là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo ra giá trị gia tăng lớn nếu có giải pháp thích hợp. Song nhìn lại, chúng ta đã làm gì, TP đã làm gì để thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn? Tiếc rằng, về mặt quản lý - mà đã nói quản lý thì trước hết phải có quy hoạch - ngành du lịch đã có nỗ lực này rồi, đã xây dựng quy hoạch bởi một đơn vị tư vấn, nhưng đến lúc nghiệm thu lại không đạt; giờ phải làm lại. Giám đốc Sở Du lịch TPHCM mới nhận nhiệm vụ, cam kết sẽ cố gắng làm quy hoạch đường sông. Về vấn đề đại biểu nêu, giải pháp gì đa dạng hóa loại hình sản phẩm du lịch, đó là một đầu bài. Năm 2016 du lịch chúng ta chưa mạnh, với trách nhiệm là Chủ tịch UBND TPHCM, tôi chịu hết. Và tôi đang giao ngành du lịch triển khai nhanh quy hoạch, trước hết với du lịch đường sông. 

- ĐB NGUYỄN HOÀNG HẢI: TPHCM đang xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt. TP được xếp hạng là TP đáng sống hay chưa? Tiêu chí, mục tiêu, lộ trình thực hiện?

* Tôi không thích chữ “đáng sống”. Bởi, đất nước chúng ta nơi nào cũng đáng sống cả. Chữ đó nên thay bằng cụm từ “TP có chất lượng sống tốt”. Làm gì, giải pháp thế nào để vươn tới TP có chất lượng sống tốt? Với TP, chúng ta thực hiện hiệu quả 7 chương trình đột phá là đồng nghĩa đang vươn tới TP có chất lượng sống tốt. Việc thực hiện các chương trình, trong từng năm làm gì, tất cả đã được thể hiện rồi.

Có cán bộ “thủ” đến mức không dám làm gì cả

Sau phần trả lời chất vấn của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Chủ tịch UBND TPHCM quan tâm chỉ đạo thêm vấn đề tiếp công dân, tiếp cử tri khi một bộ phận cán bộ công chức còn rất ngại đối thoại với dân. Đồng thời chỉ đạo sự đồng bộ trong phối hợp công việc giữa các sở ngành cũng như khắc phục tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm. “Nhiều cán bộ không những không dám sáng tạo mà còn rất “thủ”, để tránh sai sót trong công vụ. Tránh sai sót là đúng rồi nhưng “thủ” đến mức không dám làm gì cả thì là hiện tượng đáng báo động”, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh. 

MAI ANH - MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục