Ngày 29-4 tới đây, tại TPHCM sẽ diễn ra hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 với tên gọi: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Hội nghị sẽ đề ra các giải pháp xây dựng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp (DN); giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN. Trao đổi với PV Báo SGGP, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết:
TS Vũ Tiến Lộc
>> TS VŨ TIẾN LỘC: Theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, VCCI chuẩn bị các báo cáo về tình hình hoạt động của DN, hiến kế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và bình đẳng, nêu các kiến nghị của DN và của VCCI. Những nội dung này sẽ được gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, đồng thời gửi các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để trả lời theo thẩm quyền; gửi Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Cũng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, VCCI có trách nhiệm phối hợp với UBND TP Hà Nội và TPHCM soạn thảo cam kết về tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho DN trên địa bàn. Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội và UBND TPHCM ký cam kết với VCCI, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, về việc tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho DN trên địa bàn.
- Phóng viên: Xin bắt đầu từ câu chuyện cụ thể nóng hổi được Báo SGGP đưa và sau đó được nhiều báo đề cập, đó là trường hợp ông Nguyễn Văn Tấn mở cửa hàng bán phở và cà phê (quán Xin Chào) nhưng chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày bị Công an huyện Bình Chánh (TPHCM) khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội “Kinh doanh trái phép”. Ông nghĩ sao về điều này và phải chăng chủ trương về cởi mở, khuyến khích thúc đẩy kinh doanh trong thực hiện đang có vấn đề?
Quan điểm của chúng tôi là những sai sót nhỏ, không thể vin vào đó để hình sự hóa bởi như vậy sẽ không thể khuyến khích người dân bỏ vốn đầu tư, làm giàu chính đáng để nước ta phát triển hơn. Việc hình sự hóa kiểu đó sẽ khiến cho tinh thần khởi nghiệp bị chết yểu bởi những rào cản không đáng có.
Các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XII cũng đã nhấn mạnh vai trò của khu vực dân doanh, khu vực tư nhân phải trở thành động lực phát triển của nền kinh tế. Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi đã nhấn mạnh rất rõ quyền tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Các Nghị quyết 19 ban hành năm 2014, 2015 cũng đã nêu ra rất nhiều những yêu cầu về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh chỉ có được khi các cơ quan quản lý phải thực sự thấm nhuần, nhất là những cơ quan thực thi và hướng đến mục tiêu cao nhất là bà đỡ, hỗ trợ, khuyến khích họ thay vì chỉ soi vào những lỗi không lớn mà DN mắc phải để “bắt lỗi”. Người dân có quyền tự do mưu sinh, tự do kinh doanh, bổn phận của cơ quan nhà nước là phải bảo vệ, bảo đảm quyền quan trọng này.
- Trở lại những vấn đề mà DN quan tâm. Đâu là những vấn đề mà các DN, doanh nhân quan tâm nhất hiện nay trong kiến nghị gửi VCCI trước thềm hội nghị?
Trước tiên, cộng đồng DN rất vui mừng về hội nghị này và mong muốn sẽ diễn ra hàng năm. Trong các ý kiến được DN gửi về chúng tôi đều khá tập trung. Đó là DN mong muốn Chính phủ có một chương trình hành động để thúc đẩy sự phát triển của khu vực DN trong cả nhiệm kỳ. Tiếp theo đó là mong muốn Chính phủ cố gắng khôi phục và duy trì niềm tin của cộng đồng DN thông qua việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát tối đa 4% như nghị quyết Quốc hội đã đề ra. Cùng với đó, Chính phủ thúc đẩy chương trình đồng bộ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm làm sao thời gian tới Việt Nam là một trong 4 quốc gia có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất trong khối ASEAN.
Bên cạnh đó, để Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư thực sự thẩm thấu tới các cơ quan thực thi, DN cũng mong muốn Chính phủ có sự giám sát việc thực hiện này và trình sớm để Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Chúng tôi cho rằng, việc cải cách thủ tục hành chính là điều rất quan trọng thời gian tới vì điều này sẽ giảm chi phí cả chính thức và không chính thức đối với hoạt động kinh doanh của DN.
Tất nhiên, để DN phát triển, Chính phủ chỉ như là “bà đỡ”, còn bản thân DN phải vươn lên, nâng cao năng lực của mình. Vai trò của VCCI, các hiệp hội là rất quan trọng để có thể liên kết, hỗ trợ DN về thông tin, tư vấn, đào tạo, xúc tiến thương mại...
- Như ông nói, thì những mong mỏi của cộng đồng DN như đang cho thấy việc cải thiện môi trường kinh doanh vẫn đang là mối quan tâm lớn nhất, dù rằng, chúng ta đã nỗ lực thực hiện ít nhất là 2 năm nay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 năm 2014?
Nhìn chung, cộng đồng DN đánh giá cao và hoan nghênh những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ, của một số bộ, cơ quan và địa phương trong thời gian qua, nhất là trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, hải quan, thuế. Doanh nghiệp ngày càng kỳ vọng nhiều vào việc thực thi Nghị quyết 19 để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn chưa được các bộ, cơ quan giải quyết theo yêu cầu của nghị quyết, đặc biệt trong quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Ngoài ra, thời gian cấp phép xây dựng kéo dài hơn so với trước, số lượng thủ tục đăng ký sở hữu tài sản tăng cũng là những điểm hạn chế, đi ngược với mục tiêu nghị quyết đề ra. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây đã nhận xét, tình hình và kết quả thực thi Nghị quyết 19 trong quý 1-2016 chưa có nhiều thay đổi so với thời điểm tháng 12-2015.
- Trong rất nhiều diễn đàn, ông đã nhấn mạnh, để phát triển hơn, Việt Nam cần ban hành một chương trình quốc gia về khởi nghiệp và phát triển DN. Theo ông, để làm được điều này thì cần các điều kiện gì?
Để có một chương trình quốc gia về khởi nghiệp, mỗi ngành nên có một đề án riêng, lập những mục tiêu riêng. Cần khẩn trương ban hành Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa để hỗ trợ DN. Bởi hiện nay, ở nước ta, bình quân gần 200 người dân mới có 1 DN, trong khi ở các nền kinh tế phát triển cao, 15 - 20 người dân là có 1 DN và có đến 96% - 97% các DN Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Tự bỏ tiền ra khởi nghiệp thì dễ nhưng đối với những người dân có ý tưởng tốt thì Nhà nước cũng cần có những hỗ trợ. Ví dụ như phòng thí nghiệm, thử nghiệm sản phẩm, vấn đề bản quyền, hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm…
Ngoài ra, dù đã có những bước tiến dài, nhưng cải cách thể chế hiện vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng DN. Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn còn rất phiền hà và lạc hậu so với chuẩn mực chung của thế giới. Các cuộc khảo sát gần đây của VCCI cho thấy, tín hiệu đáng lo ngại là DN càng lớn, kinh doanh càng thành công, thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao, bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân lý giải tại sao phần lớn DN Việt Nam đã không thể lớn lên. Thể chế nào thì doanh nhân đó. Muốn có được một lực lượng doanh nhân đông đảo, kinh doanh có hiệu quả, tạo nhiều việc làm cho người dân, mang lại sự thịnh vượng cho quốc gia, thì điều kiện cần là phải có nền tảng thể chế thân thiện và an toàn cho kinh doanh.
- Xin cảm ơn ông!
NGỌC QUANG thực hiện