"Kiến tha mồi" cung cấp vũ khí cho khủng bố châu Âu

Chợ đen vũ khí ở châu Âu được phục vụ bởi đội quân buôn lậu vũ khí từng ít, từng ít một, kiểu "kiến tha mồi", theo cách gọi của các chuyên gia an ninh.
"Kiến tha mồi" cung cấp vũ khí cho khủng bố châu Âu

(SGGPO).- Chợ đen vũ khí ở châu Âu được phục vụ bởi đội quân buôn lậu vũ khí từng ít, từng ít một, kiểu "kiến tha mồi", theo cách gọi của các chuyên gia an ninh.

Tám ngày trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố Paris, cảnh sát Đức kiểm tra thường lệ một người đàn ông 51 tuổi lái chiếc xe thuê Volkswagen Golf ở Autobahn, bang Bavaria. Ông ta nói với cảnh sát mình đang trên đường từ Montenegro đi nghỉ ở Paris và mong được leo tháp Eiffel.

Nhưng khi khám xét xe theo thủ tục mới kiểm tra người nhập cư trái phép, cảnh sát phát hiện trong xe giấu cả kho vũ khí, gồm nhiều súng trường tấn công Kalashnikov (AK-47), lựu đạn, súng ngắn và 200 gam thuốc nổ.

Người đàn ông này được giới chức Đức xác định là Vlatko V, vẫn đang bị tạm giam để "điều tra sâu rộng liệu có liên hệ với vụ tấn công Paris", theo Bộ Nội vụ Bavarian.

Vụ bắt giữ này cho thấy một hình ảnh đáng lo ngại mà các chuyên gia an ninh gọi là "kiến tha mồi", chuyển vũ khí từng ít, từng ít một xuyên biên giới khắp châu Âu của bọn buôn lậu vũ khí, và bây giờ là của khủng bố.

"Chúng tôi gọi là "kiến tha mồi" bởi vì ở châu Âu, có rất nhiều cá nhân buôn lậu mỗi lần một ít, chứ không phải cả xe tải lớn. Nhưng nếu đàn kiến đủ lớn, lượng vũ khí sẽ không nhỏ", An Vranckx, chuyên gia Nhóm Nghiên cứu và Thông tin về Hòa bình và An ninh (GRIPS) ở Bỉ, giám sát thị trường chợ đen vũ khí hạng nhẹ toàn cầu, nói với The Telegraph.

Các tay súng tấn công tòa soạn Charlie Hebdo ở Paris ngày 7-1-2015 bằng AK-47. Ảnh: REUTERS

Ở Anh, 2 năm trước, "kiến tha mồi" đã cho thấy khả năng tích lũy chết người khi Dale Cregan, 1 gangster ở Manchester, dùng lựu đạn cầm tay tấn công giết chết 2 nữ cảnh sát.

"Nếu một gangster ở Manchester có thể có được loại vũ khí này, những kẻ khủng bố cũng có thể có như vậy", David Dyson, 1 chuyên gia phân tích vũ khí của Anh, nói với The Telegraph.

Các nước Đông Âu là nguồn cung lớn vũ khí lậu. Nhiều kho lớn chứa vũ khí hạng nhẹ ở các nước như Bulgaria và Ukraine từ thời chiến tranh lạnh nay phát tán khắp thế giới, cung cấp cho các cuộc xung đột từ Tây Phi đến Balkan.

Chẳng hạn, ở Albania, khoảng nửa triệu vũ khí bị mất khỏi các kho quốc gia sau sự sụp đổ của chính phủ năm 1997, trong khi ở Serbia và Bosnia, gần 2 triệu vũ khí lậu còn lưu hành trong tay các cá nhân từ sau cuộc nội chiến.

Montenegro, quê nhà của người đàn ông chở kho vũ khí trong xe bị bắt giữ ở Đức nói trên, cũng tràn ngập vũ khí lậu. Không phải ngẫu nhiên mà Montenegro là sào huyệt của Panthers Pink, băng cướp vũ trang khét tiếng châu Âu với hàng loạt vụ tấn công các cửa hàng trang sức cao cấp tại London và Paris trong thập niên qua.

Nguồn cung vũ khí cho những đối tượng như Panthers Pink hiện nay cũng đang được những kẻ khủng bố khai thác.

Pháp đã "giật mình" vào năm 2012, khi Mohammed Merah, một tội phạm nhỏ chuyển sang thánh chiến, đã cuồng sát 7 người với mục tiêu lính Pháp và cộng đồng Do Thái ở Toulouse. Trong số vũ khí của Merah có 1 khẩu AK-47 và 1 khẩu tiểu liên Uzi, khiến báo Pháp Le Figaro đặt câu hỏi: "Y có thể mua được số súng đó bằng cách nào, như người ta mua sữa chua à?".

Tất nhiên, Merah đã không mua súng một cách hợp pháp, vì ở Pháp, cũng như ở EU, các loại vũ khí tự động như AK-47 bị nghiêm cấm. Nhưng Merah chỉ cần tìm các đầu mối trong thế giới ngầm Pháp, hiện diện mạnh mẽ ở các vùng ngoại ô đông người nhập cư. Theo Nic Marsh, chuyên gia vũ khí hạng nhẹ tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (OPRI), khoảng 4.000 khẩu súng máy đang lưu hành chỉ ở các vùng ngoại ô Pháp này. Chẳng hạn, tại TP cảng phức tạp Marseille ở miền Nam, các băng đảng ma túy sử dụng AK-47 trong hàng chục vụ thanh toán trong 5 năm qua, thậm chí còn bắn vào cảnh sát trưởng Marseille khi ông đến một khu dân cư đầy tội phạm hồi tháng 2.

Một chiến binh IS với khẩu AK-47 trên bờ sông Euphrates ở Raqqa, Syria. Ảnh: AP

Nhóm khủng bố Paris tối 13-11 có được AK-47 bằng cách nào? Các nhà điều tra chưa công bố. Nhưng với việc các phần tử khủng bố đã lên kế hoạch từ nước Bỉ láng giềng, cảnh sát có thể tìm kiếm tại khu chợ đường phố xập xệ sau ga xe lửa Brussels, nơi AK-47 được trao tay từ 750 EUR.

Chính ở đây những kẻ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo hồi tháng 1 đã kiếm được súng, mà nay cảnh sát cho biết có nguồn gốc từ một tay buôn vũ khí ở Slovakia. Việc điều tra này đã phơi bày 1 lỗ hổng trong luật kiểm soát súng của châu Âu.

Các tay buôn vũ khí có thể lập cửa hàng vũ khí có đăng ký và bán súng hợp pháp là "vũ khí không hoạt động". Súng như vậy có sẵn hợp pháp trên toàn EU để làm đạo cụ phim ảnh, những cảnh tái hiện lịch sử và cho các bộ sưu tập tư nhân. Nhưng các tiêu chuẩn của "vũ khí không hoạt động" lại biến đổi từ nước này sang nước khác. Mùa hè này EU mới đưa ra tiêu chuẩn an toàn, sau khi thừa nhận trong năm ngoái rằng "không chuẩn bị để giải quyết các rủi ro tiềm ẩn của việc tái kích hoạt vũ khí không hoạt động".

Ngay cả khi đóng được lỗ hổng đó, EU vẫn phải đối mặt khó khăn từ Balkan, đặc biệt từ các quốc gia như Serbia, đang muốn gia nhập EU. Serbia đã hợp tác Trung tâm Kiểm soát vũ khí hạng nhẹ Đông Nam Âu và Đông Âu (SEESAC), một dự án của Liên hiệp quốc, nhằm thu hồi vũ khí lậu. Nhưng chỉ có 2.000 khẩu súng được giao nộp theo một lệnh ân xá trong 3 tháng đầu năm nay.

Phát ngôn viên SEESAC Ivan Zverzhanovski nói rằng EU cần "thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận" sau vụ tấn công khủng bố Paris. "Nhu cầu vũ khí lậu ban đầu dường như từ các tổ chức tội phạm, nhưng từ sau vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo, đã thấy rõ rằng các nhóm khủng bố đang ngày càng ưa chuộng vũ khí này. Điều này cho thấy mối liên hệ giữa tội phạm có tổ chức và các nhóm khủng bố. Các quốc gia cần nhìn nhận vấn đề nghiêm trọng hơn, và EU cần tăng cường hỗ trợ cả về chính trị và tài chính", Zverzhanovski nói với The Telegraph.

Nếu vùng Balkan được làm sạch hẳn, biên giới rộng lớn của EU đang chật vật chống nhập cư trái phép có thể thu hút "kiến tha mồi" từ các nơi khác. Hiện tại, nhiều báo cáo cho thấy vũ khí đã phán tán từ các quốc gia bất ổn gần đây như Ukraine và Libya. Vũ khí cũng đến qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ từ cứ địa của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq.

"Nếu có thể đưa ma túy qua biên giới, cũng có thể đưa AK-47, và thực sự không có cách nào ngăn chặn tốt hơn là có nguồn tin tình báo tốt", Dyson cho biết.

Châu Âu cần đảm bảo rằng những ai liên quan "kiến tha mồi" phải đối mặt những hình phạt nặng nhất. "Bất cứ ai bán súng cho đối tượng mà mình biết là 1 kẻ khủng bố thì cũng phạm tội khủng bố, cũng phải chịu hình phạt nghiêm khắc như nhau", theo Iain Overton, tác giả Gun Baby Gun, cuốn sách mới nghiên cứu tác động của tội phạm vũ khí toàn cầu.

THIỆN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục