Bữa ăn của hàng triệu người đang bị đe dọa nghiêm trọng khi ngày càng rộ lên những trường hợp thực phẩm “bẩn”, lạm dụng hóa chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật, có chứa dư lượng kháng sinh độc hại…
Trao đổi với PV Báo SGGP, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, Bộ NN-PTNT đang triển khai hàng loạt giải pháp kiên quyết ngăn chặn thực phẩm, nông sản không an toàn, vì sức khỏe người dân.
PV: Lâu nay người dân vẫn nơm nớp sợ rau xanh phun thuốc trừ sâu, kích thích, có chứa hóa chất độc hại. Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã công bố kết quả kiểm tra có tới 58% mẫu rau chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và 40% chứa kim loại nặng nhưng vẫn ở ngưỡng an toàn. Người tiêu dùng có tin tưởng được không, thưa Thứ trưởng?
* Thứ trưởng NGUYỄN THỊ XUÂN THU: Bản thân tôi cũng rất ngại mua rau sống. Ra chợ thấy rau ngon mà không dám mua vì e ngại bị lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng các hóa chất không an toàn.
Mặc dù kết quả kiểm tra của Cục Bảo vệ thực vật giúp người tiêu dùng yên tâm hơn, song cũng phải khẳng định, trên 58% rau có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và 40% có chứa kim loại nặng, mặc dù nằm trong giới hạn cho phép nhưng rõ ràng là không phải rau sạch rồi. Mục tiêu của chúng ta là phải hướng tới chương trình sản xuất rau sạch, rau an toàn.
Vừa rồi, tôi đi thăm mô hình rau an toàn Văn Đức ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) thì mới có niềm tin là chúng ta vẫn có những vùng đang sản xuất rau an toàn. Ngoài Hà Nội, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, TPHCM… cũng đang phát triển rất tốt mô hình trồng rau an toàn, bước đầu đã được thị trường đón nhận.
Tuy nhiên, hiện tại không phải người dân nào cũng tiếp cận được rau an toàn. Trong khi rau xanh, rau sống là sản phẩm có liên quan tới nhu cầu tiêu dùng thường nhật của đại bộ phận người dân nên chúng tôi đã yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật phải kiểm tra rộng hơn nữa, tăng cường lấy thêm nhiều mẫu để phân tích chính xác hơn, đồng thời mở rộng từ rau xanh ra các loại thực phẩm khác để có thông tin chính thống, chính xác cho người tiêu dùng yên tâm, lựa chọn.
* Thứ trưởng đánh giá như thế nào về các mô hình sản xuất và kinh doanh rau sạch hiện nay?
* Thực ra từ lâu chúng ta đã có chủ trương sản xuất rau sạch, rau an toàn bằng việc khuyến khích bà con sử dụng các phương pháp, kỹ thuật sản xuất sạch, nói không hoặc hạn chế tới mức thấp nhất việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản nhằm cho ra thị trường những sản phẩm rau đảm bảo cả chất lượng lẫn dư lượng. Ở nhiều nơi, nông dân rất hào hứng với các mô hình rau sạch.
Tuy nhiên, có thực trạng là việc sản xuất lẫn tiêu thụ rau sạch hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân vì chúng ta chưa có cơ chế, giải pháp để giúp người tiêu dùng phân biệt đâu là rau sạch, đâu là rau thường hoặc không đảm bảo. Bản thân người nông dân cũng không có cơ sở để chứng nhận cho sản phẩm rau an toàn của mình. Vì vậy, trên thị trường rau an toàn và rau thường vẫn lẫn lộn, người tiêu dùng cũng không còn tin tưởng vào rau an toàn nữa.
Để tháo gỡ nghịch lý trên, Bộ NN-PTNT đang triển khai chương trình quản lý theo chuỗi từ gốc tới ngọn đối với thực phẩm nói chung nhưng trước mắt làm thí điểm đối với rau xanh. Cụ thể, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với UBND TP Hà Nội triển khai dự án dán tem cho rau ở các vựa rau an toàn thuộc huyện Gia Lâm, Thanh Trì, sẽ mở rộng thêm tại huyện Phúc Thọ, Đan Phượng...
Sau một năm thí điểm, mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Toàn bộ rau của bà con làm ra được cán bộ bảo vệ thực vật đến tận nơi kiểm tra, dán tem chứng nhận theo tiêu chuẩn. Hàng phải đảm bảo an toàn, sản xuất theo đúng quy trình mới được dán tem. Các lô rau đều được đưa vào hồ sơ quản lý đến từng hộ gia đình.
Vì vậy, nếu phát hiện có sự cố sẽ truy ngay ra cơ sở sản xuất. Từ việc kiểm soát từ gốc, buộc người nông dân cũng phải có tinh thần trách nhiệm hơn với các sản phẩm của mình, để không bị xử lý.
* Các tỉnh phía Nam hiện đã triển khai mô hình này chưa?
* Sau khi làm thành công mô hình dán tem chứng nhận cho rau an toàn ở Hà Nội, Bộ NN-PTNT sẽ cho mở rộng triển khai ở Vĩnh Phúc, TPHCM… Ngoài ra cũng sẽ áp dụng mô hình gắn mã số, mã vạch cho rau, thực phẩm. Tại TPHCM, mặc dù hiện nay chưa có mô hình dán tem cho rau, song giữa TPHCM và các tỉnh như Lâm Đồng đã có hợp tác liên kết chặt chẽ về sản xuất rau an toàn để cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng, cơ sở kinh doanh rau sạch và việc kiểm tra, kiểm soát thực hiện khá tốt. Để tăng cường các mô hình sản xuất rau sạch, kiểm soát chất lượng rau xanh, sắp tới Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sẽ chủ trì một hội nghị chuyên đề về rau.
* Một vấn đề cũng đang nóng bỏng hiện nay, làm nhiều người dân không khỏi lo lắng là tình trạng gà thải loại từ nước ngoài tràn vào nước ta, trong khi người tiêu dùng không thể phân biệt được. Vậy cách nào để ngăn chặn gà thải loại, gà lậu?
* Thực trạng gà lậu, gà thải loại cũng vừa được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra trước Quốc hội. Câu chuyện mà chúng ta đang quan tâm hiện nay là bên cạnh việc ngăn chặn tình trạng gà lậu tràn vào thị trường nội địa sẽ tiến tới xem xét, kiểm soát cả chất lượng và an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm gia cầm nhập khẩu, nhập lậu.
Theo quy định, gia cầm nhập lậu là vi phạm, không được phép đưa vào thị trường nội địa. Vì vậy, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, đồng thời ngăn ngừa các nguy cơ lây lan dịch bệnh, bảo vệ chăn nuôi trong nước, dứt khoát phải ngăn chặn gia cầm lậu. Bộ NN-PTNT đã giao cho Cục Thú y chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ Công an, Bộ Công thương… triển khai ngăn chặn gà nhập lậu.
Phó Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế có trách nhiệm tiếp tục lấy mẫu kiểm tra để trả lời người dân về chất lượng gà nhập lậu có ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng hay không và hiện nay chúng tôi vẫn đang liên tục lấy mẫu để kiểm tra.
* Thứ trưởng nghĩ thế nào về việc mới đây một doanh nghiệp nhập khẩu gà từ Hàn Quốc, dư luận cho rằng đó là loại gà thải loại nhưng doanh nghiệp lại cho rằng đó chỉ là “gà già”, không phải thải loại?
* Để có thể khẳng định đó có phải là gà thải loại hay không, có đảm bảo các tiêu chuẩn về thực phẩm và dinh dưỡng không cần phải kiểm tra thêm, thậm chí sắp tới có thể thành lập đoàn sang tận nước xuất khẩu để kiểm tra nguồn hàng nhập, chất lượng thực sự, điều kiện chăn nuôi gia cầm của họ. Khó khăn là hiện chúng ta vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể về dinh dưỡng đối với các sản phẩm thịt gia cầm nhập khẩu. Về lâu dài, chúng ta sẽ phải ban hành bộ tiêu chuẩn để kiểm soát, không để tình trạng gà thải loại được doanh nghiệp nhập ồ ạt về tiêu thụ, trong khi các nước đều không dùng những loại thực phẩm như vậy.
PHÚC VĂN