Kiến trúc sư Việt Nam mờ nhạt tên tuổi, hụt hơi với nghề?

Đại hội đại biểu lần thứ 6 (2010 - 2015) Hội Kiến trúc sư TPHCM diễn ra ngày 4-4-2015, tại TPHCM. Trong báo cáo của Ban chấp hành hội nhiệm kỳ này đã đưa ra một nhận định khá sốc: Kiến trúc sư Việt Nam ngày càng mờ nhạt tên tuổi, hụt hơi với nghề…
Kiến trúc sư Việt Nam mờ nhạt tên tuổi, hụt hơi với nghề?

Đại hội đại biểu lần thứ 6 (2010 - 2015) Hội Kiến trúc sư TPHCM diễn ra ngày 4-4-2015, tại TPHCM. Trong báo cáo của Ban chấp hành hội nhiệm kỳ này đã đưa ra một nhận định khá sốc: Kiến trúc sư Việt Nam ngày càng mờ nhạt tên tuổi, hụt hơi với nghề…

Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM có kiến trúc đẹp do kiến trúc sư Việt Nam thiết kế. Ảnh: CAO THĂNG

Thiếu sân chơi sòng phẳng?

Hội Kiến trúc sư TPHCM lý giải nhận định gây sốc nêu trên như sau: “Trong một thời gian dài, xã hội đã thiếu chính sách công bằng để bắt buộc và động viên giới kiến trúc sư hứng khởi và tự trọng đảm đương trách nhiệm đối với nền kiến trúc nước nhà, dù năng lực của nhiều kiến trúc sư đủ sức đảm đương”. Những chính sách đó là gì? Đó là, tác quyền không được công nhận liên tục trong các giai đoạn của một dự án từ thiết kế đến thi công, nhiều tác phẩm kiến trúc bị ăn cắp ý tưởng mà không phân xử được, đã “thui chột” ý tưởng sáng tạo của nhiều kiến trúc sư; không có những quy định về đơn giá tối thiểu trong thiết kế nên tình trạng cạnh tranh hạ giá vô tội vạ đã xảy ra. Nhiều kiến trúc sư có nghề, có tâm rất khó hoạt động; quy trình quản lý dự án thiết kế không được tôn trọng đầy đủ là mảnh đất màu mỡ cho những thiết kế “dỏm” hình thành, lấn át những thiết kế tốt. “Gói” thiết kế, kiến trúc thường được “bỏ chung” cùng tất cả các gói kỹ thuật khác với tổng dự toán thường được phê duyệt trước khi đấu thầu, “vô hình trung” đã như barrie ngăn cản các ý tưởng thiết kế sáng tạo. Không ít chủ đầu tư “ngại” đầu tư cho công tác thiết kế và không đưa ra được những yêu cầu chất lượng thiết kế tối thiểu, cũng “góp thêm” điều kiện cho những thiết kế “dỏm” xuất hiện.

Chưa kể, như chia sẻ bên hành lang đại hội, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, cho biết, không ít chủ đầu tư Việt Nam còn có tâm lý “Bụt nhà không thiêng”. Nhiều công trình kiến trúc lớn của Việt Nam đã được chủ đầu tư giao cho kiến trúc sư nước ngoài, mặc dù trong đội ngũ thực sự tham gia công tác thiết kế… đa phần là kiến trúc sư Việt Nam! “Tôi đã thấy trong nhiều văn phòng của các tư vấn thiết kế nước ngoài, toàn là kiến trúc sư Việt Nam làm việc”, ông Nguyễn Hoài Nam nói. Nếu chỉ làm thuê thì tên tuổi của nhiều kiến trúc sư Việt Nam khó có điều kiện tỏa sáng…

Tiên trách kỷ…

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan nêu trên, Hội Kiến trúc sư TPHCM cũng thừa nhận, yếu tố chủ quan là không nhỏ. Tuy chưa có dịp đánh giá một cách đầy đủ công tác đào tạo kiến trúc sư nhưng với kinh nghiệm thực tế, theo Hội Kiến trúc sư TPHCM, một trong những nguyên nhân đưa đến tình trạng kiến trúc sư ngày một “mờ nhạt tên tuổi, hụt hơi với nghề” là do công tác đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện nay, trung bình mỗi năm có khoảng 4.000 kiến trúc sư được đào tạo ở khắp các trường đại học trên cả nước. Thế nhưng, chất lượng đào tạo của các trường rất khác nhau, nhiều kiến trúc sư ra trường song khả năng làm việc còn nhiều hạn chế. Còn thiếu nhiều quy định về việc rèn luyện, nâng cao tay nghề của kiến trúc sư sau khi ra trường. Kiến trúc sư trẻ không bị bắt buộc thực tập có sự hướng dẫn của các kiến trúc sư dày dạn kinh nghiệm, có năng lực trước khi được hành nghề độc lập. Kiến trúc sư nói chung không bắt buộc phải tự đào tạo lại, cập nhật thêm kiến thức mới để bắt kịp với yêu cầu của thực tế.

Tại hội nghị quốc tế về đào tạo kiến trúc sư cho thế kỷ 21 do Hội Kiến trúc sư Hội đồng Anh, Hội Kiến trúc sư châu Á tổ chức vừa qua tại Hồng Công (Trung Quốc), các chuyên gia về đào tạo đã nhấn mạnh, kiến trúc sư phải suy nghĩ chuyên sâu, phải làm việc sáng tạo trong môi trường đa văn hóa, trong đó có các yếu tố về kinh tế, xã hội thay đổi nhanh chóng. Bốn trụ cột cần có của một kiến trúc sư giỏi là nền tảng lý thuyết, kỹ năng thực hành, thực tiễn cuộc sống, công cụ công nghệ…

Trong khi đó, một kiến trúc sư vừa công tác tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM vừa đảm nhiệm công tác giảng dạy tại Đại học Kiến trúc TPHCM cho hay, ở nước ta vẫn chưa đi sâu vào các nội dung cơ bản của kiến trúc, còn nặng về tính toán, thời lượng học các môn toán và tự nhiên khác còn quá nhiều. Từ khi ra trường và đi làm tới nay, người kiến trúc sư này gần như chỉ sử dụng vài con tính cơ bản trong các đồ án thiết kế của mình. Kỹ năng thực hành lại càng khó để thực hiện bởi cơ hội để kiến trúc sư trẻ thể hiện không nhiều.

Thời gian qua, Hội Kiến trúc sư TPHCM đã tổ chức nhiều hội thảo, nhiều cuộc thi, nhiều khóa đào tạo để tạo cơ hội học hỏi, nâng cao tay nghề cho các kiến trúc sư. Tuy nhiên, nỗ lực này chỉ góp một phần trong việc nâng cao chất lượng hành nghề của kiến trúc sư Việt Nam. Để có bước tiến vượt bậc, phải thay đổi từ khâu đào tạo, nhà nước phải có một hệ thống cơ chế khuyến khích, bảo hộ cho các sáng tạo của các kiến trúc sư… Tóm lại, rất cần một giải pháp đồng bộ để kiến trúc sư Việt Nam cũng như nền kiến trúc của Việt Nam vươn lên sánh tầm với các nước phát triển trên thế giới.

NGUYỄN KHOA

 Những điểm sáng

Mặc dù còn nhiều tồn tại song thời gian qua, lực lượng kiến trúc sư thành phố cũng đã có những đóng góp đáng ghi nhận cho công tác quy hoạch, thiết kế kiến trúc TPHCM. Trong giai đoạn từ 2010 đến 2015, nhiều kiến trúc sư đã tham gia công tác lập quy hoạch, góp phần không nhỏ trong việc phủ kín quy hoạch đối với khu vực đô thị trên địa bàn thành phố.

Bộ mặt TPHCM thay đổi như hiện nay với nhiều tòa nhà mới, hiện đại, thân thiện với môi trường cũng có bàn tay đóng góp của các kiến trúc sư Việt Nam. Nhiều kiến trúc sư Việt Nam đã cố gắng tìm tòi, học tập, khẳng định mình bằng chất lượng thiết kế, phát triển theo chiều sâu, không theo chiều rộng. Nhiều kiến trúc sư đã mạnh dạn áp dụng nhiều giải pháp kiến trúc tiến bộ như các giải pháp thiết kế tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, ưu tiên sử dụng các vật liệu địa phương… Nhiều công trình kiến trúc như Nhà ga hàng không Liên Khương, đền tưởng niệm các vua Hùng, Trường Đại học Thể dục Thể Thao, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, Khách sạn Cendeluxe, Novola Resort Phan Thiết… được giới thiệu trên nhiều tạp chí kiến trúc trong và ngoài nước, đoạt được nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế…

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, để cùng thành phố thích ứng với biến đổi khí hậu, các kiến trúc sư TPHCM đã từng bước tiếp cận và triển khai áp dụng trên thực tế xu hướng kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững. Từ năm 2011 đến nay, Hội Kiến trúc sư TPHCM đã mở nhiều khóa học về kiến trúc xanh và thành lập Câu lạc bộ Kiến trúc xanh TPHCM. Đến nay, câu lạc bộ đã thu hút được 150 hội viên là các kiến trúc sư, cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc đưa ra các đồ án thiết kế xanh. Nhiều kinh nghiệm, nhiều tiêu chí về kiến trúc xanh của thế giới cũng đã được các kiến trúc sư Việt Nam học hỏi. Thậm chí, nhiều kiến trúc sư còn chủ động đi học tập, tham quan, học hỏi ở nước ngoài về xu hướng kiến trúc này. Tuy chưa hoàn thiện như mong muốn, song những nỗ lực của các kiến trúc sư để vượt lên vị thế “mờ nhạt tên tuổi, hụt hơi với nghề” là rất đáng trân trọng.

TÂM ĐỨC

Tin cùng chuyên mục