Kiến trúc xanh: Còn xa!

Công trình còn “đếm trên đầu ngón tay”
Kiến trúc xanh: Còn xa!

Các cụm từ như “Tòa nhà tiết kiệm năng lượng” hay “Đô thị sinh thái, đô thị thân thiện với môi trường” - được dùng để nói về xu hướng kiến trúc xanh đang dần trở nên quen thuộc đối với nhiều người dân TPHCM. Nhiều người đã hiểu và biết được lợi ích rất rõ ràng từ lối kiến trúc này. Không phải ngẫu nhiên mà những cụm từ này còn được dùng như là một trong những cách hữu hiệu để quảng bá các sản phẩm địa ốc. Thực tế thì sao?

Cao ốc có kiến trúc xanh tại TPHCM còn khá ít. Ảnh: Diễm Thy

Cao ốc có kiến trúc xanh tại TPHCM còn khá ít. Ảnh: Diễm Thy

Công trình còn “đếm trên đầu ngón tay”

Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội KTS TPHCM, cho biết, khi được tư vấn nên xây nhà hoặc xây dựng các công trình kiến trúc khác theo xu hướng xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, hầu hết khách hàng của ông đều rất thích. Thế nhưng, sự hứng khởi của đa phần khách hàng sẽ chìm xuống ngay khi họ nhìn vào bảng ước tính chi phí xây dựng. Giá thành xây dựng một công trình kiến trúc xanh thường cao hơn giá thành xây dựng bình thường nhiều lần. Một đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng thường đắt hơn đèn thường 10-15 lần tùy loại. Gạch không nung đắt hơn gạch nung khoảng 20% giá thành… Và đây chính là nguyên nhân chủ yếu để các chủ đầu tư buộc phải cân nhắc lại sự lựa chọn của mình.

Cho đến thời điểm hiện nay, KTS Nguyễn Trường Lưu mới có 2 khách hàng trong tổng số hàng chục khách hàng chấp nhập giá xây dựng cao và chọn lối kiến trúc xanh, thân thiện với môi trường làm lối kiến trúc cho công trình xây dựng của mình. Và trường hợp của KTS Nguyễn Trường Lưu không phải cá biệt. Nhiều KTS khác trong Hội KTS cũng gặp tình huống tương tự. Rất ít khách hàng của họ chọn lối kiến trúc xanh mà nguyên nhân không gì khác hơn, là do chi phí cao quá.

Một KTS khác xin giấu tên cho biết, đặc biệt là đối với những khách hàng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để xây dựng công trình thì việc xây dựng công trình theo xu hướng xanh, tiết kiệm năng lượng là không thể. Các công trình xây dựng bằng vốn ngân sách thường bao giờ cũng phải thiết kế, tính toán chi phí xây dựng theo quy định của Nhà nước. Quy định này trong rất nhiều trường hợp còn tỏ ra lạc hậu ngay cả khi áp dụng cho các công trình xây dựng bình thường, huống gì áp dụng cho các công trình kiến trúc xanh. Cũng theo KTS này, hiện nay trong khả năng của mình, các KTS chỉ có thể tập trung tìm kiếm các giải pháp về bố cục công trình, chọn hướng xây dựng để có thể tận dụng tốt nhất ánh sáng mặt trời và thông gió tự nhiên cho công trình… Những tính toán còn lại liên quan đến vật liệu xây dựng, thiết bị chiếu sáng… ngoài tầm tay của các KTS vì chúng phụ thuộc vào khả năng tài chính của chủ đầu tư.

Chưa có cơ chế thực hiện

Theo Tiến sĩ KTS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, một trong những nguyên nhân làm cho lối kiến trúc xanh chưa thể phổ biến rộng rãi là thiếu cơ chế để thực hiện. Vừa qua Chính phủ có yêu cầu một số công trình xây dựng bằng vốn ngân sách phải sử dụng một phần gạch không nung thay cho gạch nung để bảo vệ môi trường. Thế nhưng, một loạt cơ chế chính sách đi theo để thực hiện chủ trương này lại chưa có, ví dụ như cơ chế về giá. Giá gạch không nung cao hơn giá gạch nung song định mức đơn giá xây dựng của Nhà nước lại chưa thấy có sự điều chỉnh này.

TPHCM cũng đang xây dựng nhiều quy định về kiến trúc xanh nhưng cơ chế nào, đặc biệt là cơ chế tài chính để đưa chúng vào thực tế cũng chưa thấy quy định rõ. Tiến sĩ KTS Nguyễn Trọng Hòa nhận xét, đây là một vấn đề liên quan rất mạnh mẽ đến cơ chế tài chính. Thậm chí có thể nói cơ chế tài chính cùng các cơ chế khuyến khích đầu tư khác liên quan đến tài chính có vai trò quyết định đến sự phổ biến của xu hướng kiến trúc xanh. Do đó, nếu muốn lối kiến trúc xanh được thực hiện rộng rãi, Nhà nước cần có chính sách tài chính hỗ trợ phù hợp.

Không những thế, kiến trúc xanh không chỉ là kiến trúc của một ngôi nhà hay một công trình đơn lẻ mà nó còn là tổng thể mối quan hệ từ quy hoạch cho tới thiết kế và xây dựng. Vì thế, để xu hướng kiến trúc xanh đi vào cuộc sống còn cần có một hệ thống chính sách phù hợp mà phải bắt đầu từ gốc của đô thị, đó là quy hoạch phát triển đô thị.

  • Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM: Luôn “thêm điểm” cho kiến trúc xanh

Hiện nay ngành xây dựng sử dụng đến 17% lượng nước sạch trên thế giới, 28% lượng gỗ xẻ, 30%-40% năng lượng và 40%-50% các nguyên, nhiên vật liệu xây dựng khác. Hoạt động xây dựng cũng làm thải ra khoảng 25% lượng khí CO2 trên toàn cầu - loại khí gây hiệu ứng nhà kính phổ biến nhất.. Các công trình xanh có thể giúp làm giảm tới 35% lượng khí thải CO2 so với các công trình cùng loại xây theo lối ít thân thiện với môi trường đồng thời làm giảm 30%-50% lượng điện tiêu thụ… Chính vì thế, phát triển đô thị xanh, công trình kiến trúc xanh là xu hướng tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt. Trong chức trách của mình, khi xem xét các đồ án quy hoạch hay các thiết kế của các công trình xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM luôn “thêm điểm” cho các công trình xanh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng.

An Nhiên

Tin cùng chuyên mục